Quy hoạch “rời rạc”, Hà Nội “mưa là ngập”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 30/05/2022 16:00

Hậu quả Hà Nội “cứ mưa là ngập” liên quan đến quy hoạch “rời rạc”. Chúng ta quy hoạch thoát nước sau các công trình đô thị và công trình thuỷ lợi.

>>Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ngày 30/5.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt

-Ông đánh giá thế nào về công tác quy hoạch thời gian qua nhìn từ việc chỉ sau một cơn mưa thì Hà Nội lại bị ngập nước?

Trước đây, quy hoạch nào biết quy hoạch đó, còn với luật quy hoạch hiện nay gọi là quy hoạch tích hợp, tức là đòi hỏi tất cả quy hoạch đều phải được tiến hành đồng thời với nhau, các nội dung quy hoạch đó đều phải được liên kết với nhau.

Khi chúng ta thực hiện tốt luật quy hoạch thì những hậu quả Hà Nội “cứ mưa là ngập” có thể sẽ được khắc phục.

Bởi vì, nguyên nhân cứ mưa là ngập là do khi xây dựng các công trình phát triển đô thị phát triển nhà ở, phát triển bất động sản, nhưng lại không đi kèm theo sự đồng bộ của các hệ thống, như công trình tiêu, thoát nước, hệ thống thuỷ lợi… tất cả các hệ thống này không đồng bộ với nhau.

Nếu bây giờ quy hoạch tích hợp thì quy hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở, quy hoạch hệ thống tiêu,thoát nước, quy hoạch những vùng thuỷ lợi cho vùng nông nghiệp… tiến hành đồng thời, đồng bộ thì khi đó sẽ không còn tình trạng làm công trình này thì lại vi phạm hoặc vướng vào hoặc phá vỡ quy hoạch của công trình khác. Khi đó cũng sẽ khắc phục được vấn nạn ùn tắc và ngập lụt.

-Như vậy, việc này liên quan đến công tác quy hoạch, thưa ông?

Thực tế, đang xảy ra tình trạng quy hoạch “rời rạc”. Chúng ta quy hoạch thoát nước, sau đó lại quy hoạch xây dựng các công trình đô thị, tiếp đến mới quy hoạch công trình thuỷ lợi.

Nếu như tất cả các hệ thống này không được tích hợp liên kết với nhau thì một công trình như nhà ở có thể làm tốt, tuân thủ đủ yêu cầu xây dựng, nhưng có khi lại vi phạm sang quy hoạch thoát nước hoặc thuỷ lợi.

Việc này dẫn đến việc không thực hiện được mục tiêu chung của mọi quy hoạch. Cho nên tôi rất kỳ vọng sau khi chúng ta chuyển phương thức quy hoạch tích hợp, thì tất cả những nội dung đó sẽ không bị mâu thuẫn hay chồng chéo lẫn nhau.

Khi chúng ta triển khai một dự án thì sẽ có được sự đồng bộ và sẽ không còn hậu quả như chúng ta đã nhìn thấy ở Hà Nội là “cứ mưa thì ngập”.

-Tuy nhiên, với Hà Nội hay TP. HCM sự phát triển đô thị rất nhanh và cũng còn có nhiều bất cập. Vậy, theo ông Luật Quy hoạch lần này có tránh được những bất cập hay không, thưa ông?

Yêu cầu đặt ra của quy hoạch theo phương thức tích hợp là không được phép để riêng rẽ mà phải đồng bộ.

Ví dụ, quy hoạch xây dựng công trình đô thị thì đi kèm theo đó là phải có quy hoạch cấp, thoát nước, giao thông, cung cấp dịch vụ xã hội… tất cả các vấn đề này nếu chúng ta làm đồng bộ thì sẽ không còn xảy ra mâu thuẫn như thời gian vừa qua.

Tôi cho rằng, việc làm đồng thời tất cả quy hoạch sẽ là yêu cầu đặt ra mang tính chất nguyên tắc.

>>Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

-Nhưng Hà Nội có đủ nguồn lực để triển khai được hay không, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc quy hoạch không phụ thuộc vào nguồn lực chúng ta có hay không, quy hoạch phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, cách làm của chúng ta.

Còn quá trình thực hiện quy hoạch thì mới nghĩ đến có tiền hay không để thực hiện quy hoạch đó. Nhưng quá trình xây dựng quy hoạch thì không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố nguồn lực.

Điều quan trọng nhất chúng ta luôn thấy quy hoạch là khai thác nguồn lực tiềm năng để trở thành các nguồn lực thực tế phát triển. Nếu chúng ta có một phương án quy hoạch tốt, tư duy quy hoạch tốt, thì sau khi quy hoạch xong sẽ có thể tạo ra được nguồn lực cho phát triển ngay.

Đơn cử, Hà Nội và TP. HCM đang có đề xuất phát triển hệ thống đường vành đai. Muốn làm đường vành đai thì phải có nguồn lực, nhưng nếu quy hoạch tốt đường vành đai đó, kèm theo là các nguồn lực đất đai, không gian đi theo cùng… thì không gian bên cạnh sẽ phát triển và tạo ra nguồn lực thậm chí có thể nhiều hơn giá trị tiền đầu tư xây dựng các đường vành đai.

Do đó, tư duy quy hoạch, cách thức tiến hành quy hoạch như thế nào để đưa các nguồn lực tiềm năng thành nguồn lực thực tế để huy động vào cho phát triển.

- Theo ông, Hà Nội hay TP. HCM có khó khăn trong việc triển khai như ông vừa chia sẻ hay không?

Không thể nói Hà Nội hay TP.HCM khó khăn, ở đâu cũng có tiềm năng. Đặc biệt Hà Nội và TP. HCM lại là những trung tâm của các cực phát triển, thì các tiềm năng, nguồn lực lại càng lớn và có điều kiện huy động nhiều hơn.

Còn những địa phương ở vùng sâu, vùng xa nếu quy hoạch đường để khai thác nguồn lực bên cạnh còn khó khăn hơn nhiều lần so với Hà Nội hay TP. HCM.

Cho nên, nếu chúng ta có cách nhìn tốt, tư duy hệ thống và có một tầm nhìn phát triển thì theo tôi, chính những trung tâm, đô thị lớn, những nơi đang cần phải đầu tư nhiều tiền thì lại chính là nơi có thể sản sinh ra được nhiều nguồn lực nhất.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”

    11:00, 19/04/2022

  • Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

    04:20, 28/08/2021

  • Rà soát mâu thuẫn các luật quy hoạch, xây dựng

    03:00, 30/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy hoạch “rời rạc”, Hà Nội “mưa là ngập”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO