Muốn xây dựng một đô thị sáng tạo, có độ tương tác cao, TP Thủ Đức phải xây dựng dựa trên 3 trụ cột đó là: Nhà nước, sự sáng tạo và có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
>>>Đề xuất tăng tính tự chủ cho TP Thủ Đức
Đó là những ý kiến, ý tưởng hiến kế của các doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý… tại buổi tọa đàm “Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức”, được tổ chức ngày 5/3/2022 tại TP.HCM, do UBND TP Thủ Đức chủ trì.
Xây dựng trên 3 trụ cột
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết: TP Thủ Đức sẽ tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, công nghệ tài chính, y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái, giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao… hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước. Đồng thời, phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu – ông nhấn mạnh.
Nhận xét và đánh giá về quy hoạch, Giám đốc Sở QHKT TP Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, TP nhận thức rằng để đồ án quy hoạch thực hiện được là phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cũng như người dân. Các ý tưởng cũng từ đây và nguồn lực cũng từ đây. Do đó hội thảo phải lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hết sức nghiêm túc từ đó xây dựng một đồ án hết sức “đời thường” dễ hiểu và dễ thực hiện thiết thực với đời sống ngườ dân và tạo được sự phát triển không chỉ cho TP Thủ Đức mà còn cho cả TPHCM.
Theo ông Nhã, không chỉ giai đoạn đómng góp ý tưởng mà sau này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân để công tác thực hiện quy hoạch được tốt hơn, xuyên suốt hơn.
Hiến kế tại buổi toạ đàm Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng muốn xây dựng một đô thị sáng tạo tương tác cao, TP Thủ Đức phải xây dựng trên 3 trụ cột đó là Nhà nước, sự sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp sẽ tham gia về mặt tài chính, do đó TP nên huy động nguồn vốn của xã hội, vốn từ ngân sách chỉ nên là vốn mồi, cần chú trọng huy động vốn để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối. "Hạ tầng giao thông sẽ là cái quyết định thành công, sự phát triển của TP Thủ Đức" - ông Châu nhấn mạnh.
>>>10 kết quả nổi bật của Thành phố Thủ Đức sau 1 năm thành lập
… để trở thành đô thị sáng tạo
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, cho rằng, để kiến tạo một đô thị vừa hiện đại sáng tạo, vừa đáng sống và bền vững, cần quy hoạch chung TP Thủ Đức theo hướng "đô thị xanh", tiên phong tạo dựng những cộng đồng xanh, lan tỏa những giá trị sống xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, giúp TP Thủ Đức không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế và không gian thực thể mà còn thực sự là đô thị thân thiện, đáng sống và phát triển bền vững.
Khác với ý kiến của bà Mậu, ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, đề xuất, TP Thủ Đức nên lập hệ sinh thái dệt may với điểm nhấn là trung tâm thời trang tại TP Thủ Đức với diện tích 36,93ha, tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỉ đồng, mang lại đóng góp về kinh tế, thương mại, du lịch, logistics…
Đặt vấn đề về những đóng góp vào quy hoạch phát triển TP Thủ Đức, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), chia sẻ: TP cần chuẩn bị các điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế (đặt tại TP Thủ Đức). Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông, có quy hoạch về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ…
Đối với việc phát triển các trung tâm thương mại tập trung, vui chơi giải trí và du lịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, TP cần quy hoạch một khu đô thị có hạ tầng thuận lợi để phát triển thành đô thị kiểu mẫu, hình thành chuỗi các khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Đồng thời, cần quy hoạch một khu vui chơi giải trí công nghệ cao như Disneyland và khu hoạt động về đêm tại TP Thủ Đức.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel, đề nghị TP Thủ Đức cần chú trọng thế mạnh du lịch sông nước, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng lưu trú, phát triển hạ tầng về thể thao, phát triển về kinh tế đêm…
Tuy nhiên, theo ông Kỳ, cái mà TP Thủ Đức có thể làm được ngay là triển khai lại đường ven sông, chiếu sáng ở khu vực bờ sông đối diện quận 1 để tạo điểm nhấn.
TS Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng giám đốc Công ty EnCity- một công ty trong liên danh Sasaki- Encity đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM do TPHCM tổ chức- cho rằng, có 4 nội dung mà TP Thủ Đức phải hướng đến trong quá trình xây dựng và phát triển đó là kinh tế có ứng dụng công nghệ cao; là khu vực trọng điểm về sáng tạo của TPHCM; là trung tâm giao thương của cả vùng không chỉ của TPHCM mà còn của các vùng phụ cận như Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu….; là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Tại hội thảo hầu hết các ý kiến cho rằng, để TP Thủ Đức tạo đột phá trong thời gian tới, hạ tầng giao thông là vấn đề cần phải quan tâm đầu tư hàng đầu, tạo sự kết nối cao, nhanh, thuận tiện giữa các vùng, tạo sự tương tác nhanh giữa con người với con người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền… thông qua hệ thống viễn thông hiện đại, đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm
14:49, 22/01/2022
18:32, 17/01/2022
08:00, 22/12/2021
11:00, 29/11/2021
03:00, 08/08/2021
06:00, 23/04/2021
09:00, 12/04/2021