Quy luật cạnh tranh buộc chúng ta phải vươn lên!

Vũ Vinh Phú  – Chuyên gia kinh tế 07/07/2019 10:00

Việt Nam đã bước vào sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu, khi ký kết Hiệp định Thương mại CPTTP và EVFTA.

việc giảm thuế nhập khẩu vào các nước trong ký kết Hiệp định là sự khích lệ phát triển sản xuất các hàng hóa nông sản Việt Nam.

Việc giảm thuế nhập khẩu vào các nước ký kết Hiệp định là sự khích lệ phát triển sản xuất các hàng hóa nông sản Việt Nam.

Theo đó, sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng. Vì các nước tham gia ký kết Hiệp định với Việt Nam là những cường quốc về nhiều mặt, có bề dầy kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế, có thế mạnh về công nghệ, sản xuất chế biến các sản phẩm công nông nghiệp.

Cơ hội tạo dựng chất lượng cao

Đánh giá về thị trường nội địa cho thấy, Việt Nam là nước có nền nông nghiệp kém phát triển hơn so với các nước tiên tiến trên thế giới cả về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá cả tiêu thụ. Nhận thấy tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, gần đây Chính phủ đã chú trọng đầu tư để phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của nhà nước, tuy nhiên do xuất phát thấp, làm ăn đa số còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô chưa lớn, hàm lượng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp, vệ sinh an toàn còn yếu kém, giá thành sản xuất còn cao nên việc cạnh tranh với các sản phẩm nông sản nhập khẩu của các nước sẽ rất khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may không dễ tối đa hoá lợi ích EVFTA

    14:00, 05/07/2019

  • EVFTA và động lực cải cách thể chế

    21:39, 04/07/2019

  • Dệt may có thể sử dụng vải từ Hàn Quốc để hưởng ưu đãi trong EVFTA

    10:26, 03/07/2019

  • EVFTA và IPA: Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

    11:00, 02/07/2019

Các chuyên gia đánh giá, việc giảm thuế chỉ là một phần, điều quan trọng là người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cần có bản lĩnh, trình độ để từng bước vượt qua sự chênh lệch này, suy cho cùng là tạo dựng một tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới.

Lo ngại nhất là các sản phẩm về sữa, thịt chăn nuôi các loại của các nước mà Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu sẽ ồ ạt vào thị trường nội địa với giá rẻ hơn và chất lượng cao hơn những sản phẩm của Việt Nam. Người tiêu dùng được hưởng lợi, song việc sản xuất các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong một giai đoạn nhất định.

Trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, các chuyên gia có đề cập tới Việt Nam có lập các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa các nước hay không? Chúng ta chắc chắn sẽ phải thiết lập, tuy nhiên nhìn vào trình độ quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế cho nên công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa thực hiện chưa được tốt.

Những mục tiêu loại trừ ngay từ biên giới, những sản phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh ATTP còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn Việt Nam về nông sản thực phẩm nhập khẩu cũng đã lạc hậu, có những tiêu chuẩn 20 năm chưa có thay đổi. Suy cho cùng, điều quan trọng là chúng ta phải thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa Việt có sức cạnh tranh ngay ở sân nhà để giảm bớt áp lực những hàng hóa nhập khẩu và từng bước xây dựng những hàng rào kỹ thuật một cách chắc chắn, bài bản.

Các bộ ngành liên quan như công thương, nông nghiệp, khoa học công nghệ cần tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các trung tâm kiểm định có đầy đủ cơ sở vật chất để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu cũng như sản xuất ở thị trường nội địa.

Thách thức lớn nhất là vượt lên chính mình 

Về lĩnh vực xuất khẩu, việc giảm thuế nhập khẩu vào các nước trong ký kết Hiệp định là sự khích lệ phát triển sản xuất các hàng hóa nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, muốn điều đó trở thành hiện thực thì Việt Nam phải vượt qua những rào cản kỹ thuật về kiểm định, kiểm dịch động thực vật.

Sản phẩm sản xuất trong một điều kiện mang tính phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, chăm lo mọi mặt cho người lao động, không lãng phí tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội trong phân phối, xuất khẩu các sản phẩm đó.

Sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay chủ yếu 70% tiêu thụ ở thị trường nội địa với thói quen sử dụng đơn giản, dễ dãi, kỉ luật sản xuất và thị trường còn lỏng lẻo, như vậy chúng ta cần có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp trong sản xuất hàng hóa nông sản thời gian tới.

Bởi Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, nên sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá của các hàng hóa nông sản xuất khẩu. Những vụ kiện đó nếu Việt Nam thua cuộc sẽ dẫn tới việc áp thuế với mức độ cao hơn so với trước khi tranh tụng; điều đó sẽ bất lợi cho hàng hóa về giá cả khi cạnh tranh trên thị trường thế giới với các nước có mặt hàng xuất khẩu tương tự như chúng ta.

Cách tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong việc hạch toán, ghi chép đầy đủ các quy trình sản xuất, chế biến và các chi phí cho sản xuất kinh doanh một cách minh bạch đầy đủ, không ỷ lại vào các kinh phí hỗ trợ của nhà nước.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức các buổi đào tạo cho nông dân, doanh nghiệp những hiểu biết cơ bản trong lĩnh vực này trong giao dịch quốc tế. các cơ quan Thương vụ, Hiệp hội sản xuất và chế biến hàng nông sản cần ủng hộ tích cực và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện một cách hiệu quả, đúng pháp luật, cần thiết Hiệp hội ngành nghề có thể đại điện đứng ra giải quyết các tranh chấp nếu có.

Nói tóm lại, khi Việt Nam tham gia 2 hiệp định thương mại rộng lớn này, chắc chắn quy luật cạnh tranh sẽ bắt buộc chúng ta phải vươn lên để làm chủ được mình thực hiện tốt nhất những cam kết đã ký với các nước.

Cụ thể, tôm, cá, thịt Việt Nam xuất khẩu đừng để các nước trả về. Phải làm ăn bài bản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh một cách hợp lý. Chăm lo mọi mặt cho người lao động Việt Nam, đây là tài sản quý giá nhất cho hội nhập thương mại quốc tế. Sản xuất kinh doanh phải phát triển bền vững, phát triển môi trường, sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đi cùng đó là thể chế phải thông thoáng, minh bạch, thực hiện một nền kinh tế chia sẻ, các bộ ngành liên quan cần lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ tối thượng, giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp. Đó là tất cả những gì mà chúng ta hành động thiết thực nhất cho việc hội nhập sản phẩm nông sản Việt Nam với khu vực và thế giới theo các FTA đã ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy luật cạnh tranh buộc chúng ta phải vươn lên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO