Có 3 lý do để Tập đoàn Viettel tiến công ra nước ngoài: mở rộng thị trường, được cạnh tranh với công ty lớn, đào tạo đội ngũ, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viettel, chia sẻ.
Thị trường nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn Viettel là Campuchia. Sau 10 năm, Metfone - thương hiệu của Viettel ở Campuchia có doanh thu lũy kế hơn 2,2 tỷ USD, lợi nhuận lũy kế đạt gần 300 triệu USD với EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) luôn duy trì trên 40%.
Hết 2018, Metfone giúp Viettel hoàn vốn về cổ tức gần 250 triệu USD, gấp gần 6 lần vốn đầu tư. Sau 4 năm kinh doanh, thị trường Campuchia đã hoàn vốn, trong khi mức trung bình đối với doanh nghiệp viễn thông đầu tư nước ngoài là 10 năm.
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viettel đã có những chia sẻvề câu chuyện đầu tư và các định hướng của tập đoàn tại các thị trường nước ngoài.
- Campuchia là một trong những thị trường đầu tiên trong công cuộc đầu tư ra nước ngoài của Viettel. Sau 10 năm nhìn lại, ông thấy sao?
-Phải nói rằng Campuchia là bước quyết định để Viettel đầu tư ra nước ngoài. Năm 2004, chúng tôi mới khai trương di động ở Việt Namthì đến 2006 đã tìm hướng để triển khai ở Campuchia. Trong nướcmới phát triển thôi mà đã nghĩ đến việc dù trong nước ra sao cũng đến lúc bão hoà và muốn có thị trường cần mở rộng ra nước ngoài.
Ngoài phát triển thị trường, việc tiến ra nước ngoài còn mang ý nghĩa chính trị. Đó là lý do chúng tôi quyết định đầu tư sang Campuchia. Năm 2007, chúng tôi được Chính phủ Campuchia cấp phép viễn thông. Mất khoảng hơn một năm để xây dựng mạng lưới, Metfone khai trương dịch vụ ngày 19/2/2009.
Khi Viettel sang, ở Campuchia cũng có 7 nhà mạng viễn thông nhưng gần như không có mạng nào mạnh cả. Đó là cơ hội của Viettel và khoảng 2-3 năm sau, chúng tôi đã vượt lên công ty đứng số một thị trường lúc bấy giờ. Đó là bước phát triển có thể nói là thần kỳ.
Sau 10 năm, tôi thấy việc đầu tiên làm được đó là xây dựng mạng lưới hạ tầng viễn thông ngang tầm khu vực cho Campuchia. Thứ hai, chúng tôi cung cấp các gói dịch vụ cho cả người dân thành thị, nông thôn. Thường người ta nghĩ viễn thông là thứ gì đó xa xỉ, chỉ có người giàu dùng di động, nhưng chúng tôi nghĩ khác, cần phải nới rộng để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ.
- Ông nhắc đến câu chuyện với hai chữ thần kỳ. Vậy bên cạnh những con số định lượng như trên thì ông còn tự hào bởi những gì?
-Chính sự thành công của Viettel ở Campuchia làm cho chúng tôi tự tin đầu tư sang nước khác. Chứ ngay ban đầu đặt chân ra nước ngoài mà “không ăn thua” thì chắc là thôi, quay về (cười). Nhưng phát triển thị trường ở Campuchia thành công, chúng tôi hỗ trợ rất nhiều cho Chính phủ Campuchia, đặc biệt trong xây dựng chính phủ điện tử. Sau khi Metfone thành công rồi thì Viettel mới mở sang Lào, cũng thành công, rồi vươn xa hơn sang châu Phi, Mỹ La tinh…
Nhiều người cứ hỏi Viettel là tại sao trong nước vẫn thị trường còn rộng, còn nhiều cơ hội mà lại sang nước ngoài. Hay cũng có người hỏi tại sao Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài vào mà Viettel lại đi đầu tư khắp nơi. Chúng tôi nghĩ thế này: phải mở rộng thị trường, muốn tồn tại và phát triển phải có thị trường và phát triển không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Thứ nữa, chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng thị trường lớn, khi đó thì mua bán thiết bị cũng có “volume” lớn hơn, có tiếng trên thế giới thì đi đàm phán thực hiện hợp đồng với đối tác sẽ dễ dàng. Hiện giờ, Viettel ngoài nghiên cứu, sản xuất còn sản xuất thiết bị. Những thị trường rộng lớn tại nước ngoài chính là nơi chúng tôi bán thiết bị của mình.
Khi ra nước ngoài, chúng tôi sẽ được cạnh tranh với những công ty lớn trên thế giới. Còn như ở Việt Nam, nói vậy thôi, chứ đôi khi cũng chưa hẳn là cạnh tranh. Viettel luôn nghĩ rằng khi được cạnh tranh với những đơn vị lớn rồi thì dù trong nước hay ở đâu thì cạnh tranh không còn là vấn đề với Viettel nữa.
Quan trọng hơn cả, thị trường nước ngoài là nơi đào tạo con người Viettel tốt nhất. Cán bộ, nhân viên đã ra nước ngoài trở về là thành công, tự tin, độc lập hơn, ngoại ngữ giỏi… tóm lại là được rất nhiều thứ (cười).
- Khi đầu tư ra nước ngoài như vậy, xin hỏi là các ông có… run, lo thất bại không vì rõ ràng đó đều là những thị trường mới mẻ hoàn toàn?
-Run chứ (cười). Ra thị trường nước ngoài đầu tư sẽ có một số rủi ro. Đầu tiên là rủi ro về chính trị. Có khi chính phủ mới cấp phép cho mình nhưng nhiệm kỳ sau lại phủ định nên phải tính toán hết. Còn một vấn đề khác là rõ ràng khi đầu tư sang nước ngoài mà muốn kinh doanh tốt thì kinh tế nước đó phải đi lên.
Ví dụ như vừa rồi kinh tế Mozambique đi xuống, đồng tiền mất giá một cái là kinh doanh có chút khó khăn. Tuy vậy, kinh tế của quốc gia mình đầu tư lại là vấn đề vĩ mô, mình không nắm trong tay được. Ngoài ra thì còn có rủi ro về văn hoá, cần làm thế nào để hiểu được nhau để phát triển tốt nhất. Ngoài ra còn có các vấn đề như khí hậu, thời tiết. Haiti năm nào cũng có bão to, ví dụ thế...
Nên là khi đã quyết định, chúng tôi phải làm nghiên cứu cực kỹ, có cách chắc chắn vào từng bước một, từng bước giải quyết từng vấn đề một, xong nước này rồi thì đến nước khác sẽ có nhiều bài học hơn.
-Liệu có những quan điểm trái chiều từ nội bộ vì có thể nhìn từ bên ngoài sẽ có người cho rằng khi đó Viettel chỉ cần “thống soái” ở thị trường trong nước đã ổn lắm rồi?
-Bàn cãi thì ở đâu cũng có cả thôi. Nhưng may mắn là Viettel là doanh nghiệp quân đội nên mọi việc đều mang tính chất quân đội. Phải nói lợi thế của chúng tôi là tính kỷ luật và sự đoàn kết. Sau bàn bạc tập thể, đã quyết làm là làm thôi.
- Điều này liệu có có liên hệ gì đến câu chuyện của một số nhân sự Viettel tại thị trường nước ngoài, mà cụ thể là Campuchia? Có người nói họ ở nước ngoài, về Việt Nam nhưng lại quay trở lại, nghe có vẻ là nghịch lý vì đa số tâm lý nhân viên sẽ muốn làm việc gần gựa, gần gia đình, người thân?
- Lý do thứ nhất là khi đi nước ngoài, cán bộ nhân viên sẽ được thử thách hơn. Đơn giản thôi là nhiều anh ở nhà sống với bố mẹ, giặt đồ nấu ăn không phải làm thì ra nước ngoài phải “chiến đấu” hết. Hay nhiều người ở nhà chỉ là nhân viên, đùng cái sang nước ngoài thì chúng tôi giao làm giám đốc vùng. Có câu chuyện cô gái Việt Nam chỉ cao chưa đầy 1,6 m mà đứng chỉ đạo một dàn nhân viên là người địa phương toàn cao đến gần 2 m.
Thật ra, chỉ đi nước ngoài thì các bạn mới được va chạm thử thách, biết được tới hạn của mình đến đâu. Lý do thứ hai là chính sách tập đoàn quy định là đi nước ngoài là điều kiện để bổ nhiệm lãnh đạo. Có câu chuyện vui là có người đi nước ngoài được chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt và đạt đến tới hạn của bản thân, khi về Việt Nam lại thấy công việc có phần “nhẹ” quá, lại… đi (cười).
- Vì sao các ông lại tạo ra được những con người có tinh thần như thế?
-Chúng tôi có chính sách tiền lương, ngoài ra cũng cần đảm bảo hậu phương, gia đình để cán bộ nhân viên yên tâm công tác, có người đi nước ngoài về mà lãnh đạo doanh nghiệp ở một tỉnh chưa đi thì sẽ nhường chỗ cho người ở nước ngoài về. Nhiều ví dụ khác nữa…
- Ở thị trường Campuchia thành công như thế, Viettel có nghĩ đến việc bán cổ phần Metfone? Nghe đồn là có một đơn vị đã trả khá nhiều tiền để mua Metfone nhưng các ông không bán?
-Chúng tôi có ý định. Tuy nhiên, để bán được cũng cần có sự thống nhất từ Chính phủ Campuchia. Có một thời gian Metfone đã tìm các nhà đầu tư chiến lược rồi nhưng sau đó tính đi tính lại thì thấy thời điểm chưa hợp lý lắm. Song giờ thì có thể tính lại chuyện đó.
Còn về chuyện “nghe đồn” kia, chúng tôi phải xem xét đối tác là ai. Thế nên tôi mới nói cần có sự thống nhất của Chính phủ. Nếu đối tác trả tiền nhiều nhưng chưa hợp lý về các yếu tố khác thì cũng cần cân nhắc.
- Còn việc bán cổ phần tại các thị trường khác thì sao?
- Ở đâu cũng vậy thôi. Đi đầu tư bao giờ cũng có 2 việc. Đầu tiên là lấy cổ tức về nhưng điều đó thì thường rất lâu. Việc thứ hai là khi giá trị thị trường lên thì chúng ta hoàn toàn có thể bán, cái gì tốt thì sẵn sàng bán. Nói chung, ở các thị trường thì chúng tôi đang tính đàm phán điều này, dĩ nhiên là mình chọn đối tác nào thôi.
- Cũng có tin Viettel sẽ bán cổ phần châu Phi và dồn đầu tư sang châu Á?
-Cũng chẳng phải đồn gì cả đâu. Rất nhiều thị trường Viettel đầu tư 100% mà hoàn toàn có thể chiếm khoảng 70% thậm chí 51% là được. Bán được thì lại đem tiền đầu tư sang nước khác, đó là câu chuyện thị trường của nhà đầu tư thôi.
Tư duy chúng tôi tập trung ở châu Á là đúng, giờ phút này mà có các nước mới thì cũng là châu Á. Ngày xưa, Viettel đi ra nước ngoài thì tiếng tăm ít, toàn phải đi lăn lộn khắp nơi, đi cả 100 nước trên thế giới để tìm giấy phép. Đến giờ phút này thì người ta tìm đến mình rồi. Hiện nay, có nhiều đề nghị cho Viettel và chúng tôi đang “ngồi shopping”, chọn và cân nhắc (cười).
- Liên quan đến câu chuyện của doanh nghiệp, vừa rồi Viettel Post lên sàn, cổ phiếu từ mức tham chiếu 68.000 đồng/cổ phiếu đã lên đến 175.000 đồng. Nhà đầu tư đang hỏi nhau liệu cổ phiếu sẽ được “đánh” lên bao nhiêu?
- Sao Viettel phải "đánh", sao lại "đánh". Không có chuyện đó vì cổ phiếu phản ánh đúng giá trị của nó. Tất nhiên, chúng tôi có chiến lược, kế hoạch đẩy bưu chính lên trở thành nhà logistics lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống chuyên chọn hiện đại nhất thế giới, thậm chí đang tìm đối tác chiến lược ở nước ngoài rồi xây dựng hệ thống kho hàng.
Tóm lại, Viettel có kế hoạch đẩy bưu chính thành công ty kiểu DHL, Fedex rồi mở rộng ra thị trường nước ngoài. Kế hoạch là thế nên tự khắc cổ phiếu lên, chứ chúng tôi không “đánh” lên.
- Cảm ơn ông!