Ban Quản lý vịnh Hạ Long căn cứ vào đâu để yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long hàng chục năm nay buộc phải tham gia “đấu giá Quyền khai thác kinh doanh du lịch”?
Như DĐDN đã phản ánh tại số báo 89, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long hoạt động theo đúng quy định hiện hành và được các cơ quan thẩm quyền cấp phép. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp luôn chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước: thuế, phí và các khoản công ích khác. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Ban Quản lý vịnh Hạ Long lại thu hồi hết các giấy tờ pháp lý bản gốc của các doanh nghiệp, đồng thời lại có hàng loạt những văn bản, hành động để chuẩn bị cho cuộc “đấu giá Quyền khai thác dịch vụ du lịch” trên vịnh Hạ Long?
Hợp đồng mà Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch không phải là một dạng giấy phép con. Nên khi không tiếp tục ký cũng không có nghĩa là rút giấy phép hoạt động...
Việc tịch thu giấy tờ đúng hay sai?
Trao đổi với PV DĐDN về vấn đề này, luật sư Lê Thị Thúy Hằng, công ty Luật Dragon cho biết, giấy tờ pháp lý doanh nghiệp là hồ sơ pháp lý thuộc quyền sở hữu, quản lý của doanh nghiệp và chỉ bị tịch thu lại trong trường hợp có vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động. Việc vi phạm dẫn đến bị tịch thu giấy tờ hoạt động doanh nghiệp phải có quyết định bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ban quản lý vịnh Hạ Long có chức năng giúp tỉnh quản lý nhà nước, quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long; chủ trì cùng các ngành, địa phương có liên quan, kiểm tra, và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên Vịnh Hạ Long.
Vì vậy Ban quản lý vịnh có quyền yêu cầu được kiểm tra hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh tại Vịnh Hạ Long là hợp pháp, tuy nhiên hồ sơ thu giữ chỉ là bản sao hợp lệ để xác định tính pháp lý của hồ sơ, không bắt buộc là bản chính (bản gốc). Ban quản lý vịnh Hạ Long cũng không có thẩm quyền thu hồi các giấy tờ pháp lý của các doanh nghiệp. Việc này các doanh nghiệp có thể kiến nghị với Ban quản lý vịnh Hạ Long, UBND TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh để yêu cầu được nhận lại bản chính các văn bản pháp lý đã cung cấp.
Đấu giá Quyền khai thác... có đúng pháp luật?
Theo luật sư Lê Thị Thúy Hằng, công ty Luật Dragon, để xác định đấu giá Quyền khai thác dịch vụ kinh doanh du lịch có phù hợp quy định pháp luật hay không chúng ta phải xét trong bối cảnh cụ thể và dựa trên các quy định pháp luật.
Trước hết đối tượng nhắm đến là Quyền khai thác dịch vụ kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long – một di sản mang tầm quốc gia. UBND tỉnh Quảng Ninh đại diện cho quyền lực nhà nước có vai trò quản lý , bảo tồn và phát triển di sản vịnh Hạ Long nên quyền khai thác dịch vụ kinh doanh du lịch cần xem xét là một quyền thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên để xây dựng khung pháp lý quản lý quyền này cần có sự thống nhất trong bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Ninh, có tham khảo đến ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh. Mở rộng hơn là sự chỉ đạo, định hướng của trung ương đối với một di sản mang tầm quốc gia như Vịnh Hạ Long.
Sau đó chúng ta cũng cần phải xét đến việc Đấu giá Quyền khai thác dịch vụ kinh doanh du lịch có phù hợp quy định pháp luật. Để xác định vấn đề này cần phải hiểu quyền khai thác dịch vụ du lịch có thể được xem là quyền tài sản hay không? Nếu có thì nó có thể là một loại tài sản, căn cứ vào luật đấu giá tài sản chúng ta có thể xác định nó có phải là một trong các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá hay không theo quy định tại Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản năm 2017.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 10/11/2019
13:17, 25/10/2019
11:01, 13/09/2019
Tuy nhiên, cần lưu ý bản chất của “Đấu giá” là một quá trình mua và bán bằng cách đưa ra món hàng cần đấu giá, ra giá và sau đó bán món hàng cho người ra giá cao nhất. Như vậy, nếu UBND tỉnh Quảng Ninh “đấu giá quyền khai thác dịch vụ du lịch” có nghĩa tỉnh Quảng Ninh đang “bán” quyền này? Nếu bán thì có nghĩa là chấm dứt quyền với tài sản mình đã bán? Vậy liệu có đi ngược lại với tinh thần quản lý, bảo tồn và phát triển di sản của UBND tỉnh hay không?
Tất cả những câu hỏi này cần được UBND tỉnh Quảng Ninh trả lời chính thức với những doanh nghiệp, hợp tác xã có liên quan đến việc kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long để tránh tình trạng các doanh nghiệp hoang mang, “bất an” như hiện nay.n