Nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Đảng, Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành, nhiều dự án bất động sản được giải cứu, thị trường chờ đón những bước chuyển mình tiếp theo của chu kỳ mới.
Mới đây, Thủ tướng tiếp tục có chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản trước ngày 15/2/2025.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản bắt đầu vào khoảng đầu quý IV/2022 và đến đầu năm 2023, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư.
Tháng 02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngày 14/3/2024, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triệu tập 18 doanh nghiệp họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3/2024. Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chiều 16/3/2024.
Các Luật "đinh" của thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng - từ tháng 8/2024 thay vì chờ đến 1/1/2025. 25 địa phương đã ban hành bảng giá đất mới, áp dụng đến hết năm 2025, tháo gỡ khó khăn trong công tác định giá đất.
Ngày 23/11/2024, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn). Số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023).
Hầu hết các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô khoảng 9.756 ha đất làm nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu, đến cuối năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, tương đương năm 2023, nhiều dự án “giải phóng” được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi. Tính chung năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023.
Nhu cầu mua bất động sản, đặc biệt trong phân khúc nhà ở, bao gồm để ở và đầu tư tăng cao trở lại. Trong năm 2024, thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương tỷ lệ hấp thụ đạt 72%, với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư.
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2025, Chính phủ định hướng tiếp tục tập trung giải quyết các vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nổi bật là các dự án nhà ở xã hội. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung, mà còn đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Việc tính bảng giá đất sát với giá thị trường là hướng đi đúng với chủ trương, luật định, nhưng rõ ràng, giá thị trường trong thời gian qua vẫn "neo" ở mức quá cao so với giá trị thực.
Để giải quyết tình trạng này, Lãnh đạo VARS cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thẩm định giá theo bảng giá đất mới.
Đồng thời, quy định chi tiết thời điểm xác định giá đất, các dự án đã hình thành trước giai đoạn nào sẽ được áp dụng khung giá cũ, các dự án được phê duyệt từ thời điểm nào áp dụng bảng giá đất mới.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành một công cụ để có thể giúp đo lường, đánh giá mức độ biến động giá của thị trường, để đảm bảo có thể kiểm soát tốt biên độ điều chỉnh giá bán bất động sản trong giới hạn cho phép.
Còn theo ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, năm 2025 sẽ là một năm nhiều kỳ vọng của các doanh nghiệp bất động sản đang có dự án chờ được “giải cứu”. Bởi khi 3 bộ luật gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đã được thông qua, các dự án này cũng đang trong giai đoạn được “giải cứu” và trong năm 2025 sẽ có thể được giải cứu thành công. Đây cũng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay các chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án cũ và lên kế hoạch bắt tay để triển khai các dự án bị bỏ hoang trước đây. Diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường trong năm 2025.
“Theo tôi, sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Những chủ đầu tư có quỹ đất đang chịu áp lực về tài chính sẽ tìm đến những doanh nghiệp có dòng tiền. Còn doanh nghiệp mới thông qua hoạt động liên kết, mua bán sáp nhập để tiếp cận quỹ đất đẹp ngày càng khan hiếm tại TP HCM trong thời gian tới. Đây sẽ là một điểm nhấn của thị trường trong năm 2025", ông Thắng cho biết.