Nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI môi trường kinh doanh Việt Nam dù đã có nhiều cải thiện nhưng chất lượng các điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn nhiều điều kiênh kinh doanh là rào cản ngáng chân doanh nghiệp.
Nhiều điều kiện kinh doanh “2 trong 1”, “3 trong 1”
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định việc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt và cũng là áp lực của cơ quan quản lý, nhất là vấn đề quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường...
Mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt có một số chỉ số bị tụt hạng so với khu vực và thế giới.
Mục tiêu của Chính phủ là có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30%-40% điều kiện kinh doanh. “Vẫn còn những điều kiện kinh doanh 2 trong 1, thậm chí là 3 trong 1”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng nhiều nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang chịu sự can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp từ khu vực Nhà nước. Điển hình như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối với mặt hàng rượu, xăng dầu; yêu cầu về phương án kinh doanh, xếp hạng tín nhiệm với ngành bưu chính, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng... “Đặc biệt, nhiều thủ tục gia nhập thị trường với doanh nghiệp còn rắc rối, chồng chéo, trói chân doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng đang tồn tại sự nể nang giữa các bộ, ngành nên mức độ cải cách về môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Ông Nam lấy ví dụ về ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, một ngành mà đi bất kỳ đâu ông cũng gọi là đó là “ngành 18+”, bởi cơ quan quản lý vẫn đang thực hiện một quyết định tạm thời có từ năm 1999, cách đây đã 20 năm, dẫn đến việc các doanh nghiệp trong ngành chỉ được thuê nhân công trên 18 tuổi.
Theo Nội dung quyết định tạm thời số 190 ký ban hành tháng 3/1999: “Ngành chế biến thủy, hải sản là ngành nặng nhọc, độc hại cấp độ 4”. Với quyết định này, theo Điều 163 Luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp thủy sản không được sử dụng lao động đối với độ tuổi từ 16-18 ở cả những công việc không độc hại.
“Trong một nhà máy chế biến đấy có đủ các loại công việc, nhưng đã quy định đóng đinh như thế, khách hàng nước ngoài đến làm việc chỉ cần thấy có một công nhân 18 tuổi thôi là họ có thể cắt hợp động vì cho rằng doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động. Cơ hội của doanh nghiệp, nguồn lực của xã hội cũng vì thế mà mất đi”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Không “dàn hàng ngang”
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh VCCI đã rà soát được hơn 400 văn bản, quy phạm pháp luật về Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư. Đơn vị tiếp nhận hơn 800 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Qua rà soát bước đầu cho thấy hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta về gia nhập thị trường, về tổ chức quản lý doanh nghiệp còn một số bất cập vướng mắc tập trung vào 3 nhóm vấn đề.
Cụ thể, một số ngành nghề xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý cần phải bãi bỏ. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh, dù là hợp lý, là cần thiết nhưng có nhiều bất cập trong thiết kế điều kiện kinh doanh và nội dung đó đang can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Đây cũng là rào cản bất hợp lý đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Cùng với đó, nhiều thủ tục gia nhập thị trường còn rắc rối, chồng chéo, chưa bảo đảm tinh thần đơn giản hóa về thủ tục hành chính.
Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT&Parterns đã nêu những vướng mắc trong quy định về tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp. Đó là Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư của nhà đầu tư cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành, nghề, dịch vụ chưa cam kết; Thủ tục pháp hóa lãnh sự còn rườm rà, phức tạp; Cần quy định tách biệt việc thành lập doanh nghiệp và thành lập dự án; Đối với các ngành nghề chưa cam kết, đồng thời phải xin giấy phép kinh doanh, cơ quan đăng ký phải thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành 2 lần.
Các chuyên gia cho rằng, những xung đột này sẽ khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau khiến chi phí tốn kém. Đặc biệt, trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra, mà nhiều doanh nghiệp cho biết “kiểu gì cũng sai”… dẫn đến rủi ro cao về vi phạm pháp luật.
Nhiều chuyên gia khẳng định, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
Đồng thời, Chính phủ, các Bộ, ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những thủ tục xác nhận ngành nghề kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, hay buộc doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp nên xem xét bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014.
Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các chủ thể kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình. Sự hiểu biết của các chủ thể kinh doanh sẽ giúp họ chủ động tuân thủ pháp luật khi kinh doanh và phòng tránh các rủi ro pháp lý. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 22/06/2020
16:54, 17/06/2020
05:30, 17/06/2020