Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) dự kiến sẽ thí điểm Mobile Money trong quý I/2020. Việc ứng dụng loại hình thanh toán mới này được kỳ vọng sẽ tạo tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Việc sử dụng dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Trước đó, ví điện tử cũng đã giúp một bộ phận người dân, chủ yếu là giới trẻ, thay đổi thói quen thanh toán điện tử.
Tăng trưởng kinh tế 0,5%
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”.
Với 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán ngân hàng nhưng số lượng thuê bao di động lại rất lớn, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm.
Hiện có tổng cộng 90 quốc gia trên thế giới đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money là khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.
Theo nhận định của Ngân hàng Standard Chartered, nếu như xây dựng cơ sở hạ tầng ngân hàng đòi hỏi một nguồn vốn lớn và địa điểm thích hợp, mobile money sẽ là một lựa chọn hoàn hảo khi tính đến yếu tố chi phí và khả năng tiếp cận vì tỷ lệ thâm nhập Internet của khu vực là 58%. Trong đó, hơn 90% truy cập thông qua thiết bị di động.
Có thể bạn quan tâm
04:03, 24/05/2019
05:22, 14/04/2019
Xu hướng tương lai
Tuy nhiên, một rào cản của việc sử dụng ví điện tử là bắt buộc người dùng phải liên kết ví với tài khoản ngân hàng. Như vậy, kênh nạp tiền của ví điện tử đã có phần bó hẹp hơn, vì chỉ có thể được nạp qua tài khoản ngân hàng. Còn đối với mobile money, các kênh nạp đa dạng hơn khi có thể nạp qua thẻ cào, qua kênh ngân hàng, hoặc nhờ người khác nạp hộ qua số điện thoại.
Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money, chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Bên cạnh việc thuận tiện cho thanh toán, vấn đề bảo mật cho khách hàng cũng cần được cân nhắc có giải pháp phù hợp. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Cố vấn Cao cấp Công ty OnCloud, việc định danh khách hàng (KYC) trên môi trường ví điện tử được thực hiện bởi các ngân hàng, nhưng với Mobile Money, KYC được chính các nhà mạng xác thực. Như vậy, thách thức đối với các nhà mạng là phải xây dựng kho dữ liệu khách hàng đủ lớn, chính xác, tránh nguy cơ bị mạo danh và xác thực như tại các ngân hàng.
Thực tế, các hệ thống Ewallet thường có độ bảo mật cao, thanh toán di động thậm chí còn an toàn hơn là thanh toán qua ngân hàng. Thông tin thẻ tín dụng không được lưu trữ trực tiếp trên smartphone do đó rất khó để trích xuất chi tiết thông tin thẻ tín dụng của người dùng chỉ bằng cách ăn cắp điện thoại hay sử dụng một hình thức tấn công trực tiếp vào máy điện thoại.