Rủ nhau “bùng nợ” online: Cần chế tài mạnh để răn đe

KHÔI NGUYÊN 22/11/2023 03:10

Trước tình trạng nở rộ của các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ”, chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng nên xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý, đồng thời nâng cao hiệu quả kênh thu hồi nợ hợp pháp…

>>Khách rủ nhau “bùng nợ”: Công ty tài chính “lao đao”

hihihihi

Một số đối tượng thành lập các hội, nhóm lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ”.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý các đối tượng cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính, mua bán nợ, doanh nghiệp, công ty luật, một số người vay vốn của hệ thống ngân hàng, công ty tài chính cố tình “chây ỳ” trả nợ, một số đối tượng thành lập các hội, nhóm lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tín dụng chính thống, phát sinh nhiều chi phí, rủi ro.

Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, đến cuối tháng 10, nợ xấu của 16 công ty tài chính tiêu dùng đã ở mức trên 10%. Cá biệt, tại một số công ty, tỷ lệ nợ xấu lên tới gần 20%. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu cơ quan chức năng không có hành động cụ thể, việc bùng nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa. Chính khách hàng sẽ khó khăn tiếp cận vốn vay do công ty tài chính phải siết chặt lại hoạt động cho vay.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng đang thiếu các công cụ, tổ chức trung gian thu nợ chuyên nghiệp để hỗ trợ ngân hàng thương mại/công ty tài chính  trong việc nhắc nợ, thu hồi nợ.

“Các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị cấm kể từ ngày 01/01/2021. Cơ sở hạ tầng, nhân lực thu hồi nợ tại các ngân hàng thương mại/công ty tài chính không thể đáp ứng nhu cầu thu nợ gia tăng của các khoản vay tiêu dùng”, ông Quân chia sẻ.

Theo ông Quân, để các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét quy định về phân loại nợ với các khoản cho vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm và có quy mô nhỏ theo hướng: i) không xem xét việc kéo theo nợ nhóm 2 ở các tổ chức Tín dụng Tiêu dùng; ii) đề xuất nghiên cứu có quy định riêng về phân nhóm 2 (thay vì trên 9 ngày trở lên thì có thể đưa ra ngưỡng lên tới quá hạn 20-30 ngày mới bị phân vào nhóm 2).

>>Rủ nhau “bùng nợ” online: Cần xử nghiêm để làm gương

hihihihi

Chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng nên xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý, đồng thời nâng cao hiệu quả kênh thu hồi nợ hợp pháp. Ảnh một nhóm hướng dẫn "bùng nợ".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, đối với khách hàng chây ì trả nợ, việc áp dụng những biện pháp thu nợ thông thường hoàn toàn không có tác dụng. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan ban ngành nên xây dựng chế tài có tính răn đe hơn nữa đối với hành vi khách hàng vay nợ mà không có ý định trả nợ, quỵt tiền của tổ chức tín dụng, đồng thời hỗ trợ để nâng cao hiệu quả của kênh thu hồi nợ pháp lý (tòa án, trọng tài kinh tế).

“Kênh thu hồi nợ pháp lý hiệu quả sẽ giúp góp phần đẩy lùi những áp lực thu nợ “bằng mọi giá” theo cách thức không tuân thủ của các nhân sự thu hồi nợ”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho rằng, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các công ty tài chính có thể thu hồi vốn vay và kiểm soát nợ xấu phát sinh từ những khách hàng thiếu thiện chí trả nợ, các công ty tài chính nên được cân nhắc cho phép áp dụng cơ chế chuyên biệt đối với những khách hàng chây ỳ, trốn tránh trả nợ sau khi công ty tài chính đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng vẫn không thể tiếp cận được khách hàng và thu hồi nợ.

“Cần cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng. Biện pháp này cho phép các tổ chức tín dụng có cơ chế hỗ trợ nhau trong công tác xác minh thu nhập khách hàng thông qua các tài khoản ngân hàng nếu cung cấp văn bản chứng minh nghĩa vụ trả nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Đây là cơ sở nền để các tổ chức tín dụng tiến hành các giải pháp thu hồi nợ phù hợp với tình hình tài chính, thu nhập của khách hàng trên thực tế”, ông Cường chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khách rủ nhau “bùng nợ”: Công ty tài chính “lao đao”

    Khách rủ nhau “bùng nợ”: Công ty tài chính “lao đao”

    03:30, 01/11/2023

  • Rủ nhau “bùng nợ” online: Cần xử nghiêm để làm gương

    Rủ nhau “bùng nợ” online: Cần xử nghiêm để làm gương

    00:30, 05/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rủ nhau “bùng nợ” online: Cần chế tài mạnh để răn đe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO