Mãi đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi sức hút kỳ lạ của bài chòi với những người dân quê tôi mấy trăm năm trước, đã khiến những người mẹ phải bỏ con trốn chồng đi chơi bài chòi vào những dịp lễ tết.
Để rồi, khi hồi tưởng trong ký ức mờ xa của mình câu ca dao thuở nào của các cụ, các mẹ đọc cho tôi nghe: “Rủ nhau đi đánh bài chòi, để con nó khóc cho lòi rốn ra…”, tôi mới chợt hiểu sự cuốn hút, sức mê hoặc của những lễ hội bài chòi ở miền quê Quảng Nam khi mỗi độ xuân về…
Không phải đến bây giờ khi bài chòi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, người dân miền Trung mới hiểu hết giá trị văn hóa trường tồn vượt thời gian. Mà hàng mấy trăm năm trước, lễ hội hát bài chòi mỗi độ xuân có sức thu hút và mê hoặc đến kỳ lạ. Khiến người nông dân chân lấm tay bùn, dù có bận trăm công nghìn việc cũng đành gác lại để giành thời gian chơi bài chòi. “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc đến lòi rún ra”- Không biết các mẹ, các chị mê đắm bài chòi bỏ con khóc đến lòi rún ấy có bị chồng đánh, chồng la hay không? Tôi chỉ biết đó tất cả niềm say mê của người dân Trung Trung Bộ đối với Bài chòi.
Trải qua bao dâu bể thời gian, bao thăng trầm của binh đao lửa đạn, bài chòi vẫn giữ cho mình sức sống mãnh liệt, sự bình dân, gắn liền với đời sống của người lao động nơi miền đất khó nghèo miền Trung và trường tồn đến ngày hôm nay.
Theo nhiều bậc cao niên ở Quảng Nam diễn tả bài chòi chỉ ngắn gọn trong 4 chữ: Chơi - đánh - hô – hát. Bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng, là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Đinh Hài khẳng định bài chòi thực sự là một loại hình nghệ thuật dân gian, từ câu thơ, câu hát, đến lối chơi, quan niệm về con bài. Xuất xứ của bài chòi hoàn toàn là dân gian, gắn liền với đời sống con người.
“Nghệ thuật bài chòi gắn với đời sống cư dân ở mỗi vùng văn hóa, cho nên vùng Ngũ Quảng (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) có lẽ là trung tâm của nghệ thuật bài chòi, sinh ra bài chòi khi mà cư dân Ngũ Quảng hình thành - Đây là nghiên cứu của GS. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi” - ông Đinh Hài dẫn chứng.
Trong Hồ sơ đề nghị công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định: “Muốn đi tìm chân dung lịch sử có tính chất biên niên cho nghệ thuật dân gian, là điều không tưởng. Nhưng bằng cứ liệu của mình, chúng tôi có thể chứng minh rằng nghệ thuật dân gian bài chòi là một trong những hình thức trong toàn bộ các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian của đồng bào miền Trung”.
Ông Nguyễn Hùng Long (90 tuổi) nhà ở vùng biển Thăng Binh cũng như nhiều nghệ nhân bài chòi tôi gặp tất cả đều bảo bài chòi đã giúp đưa họ vượt qua bao khốn khó của đói nghèo. Nhờ có bài chòi mà họ nên duyên chồng vợ, nhờ những điệu hô thai bài chòi mỗi mùa lễ hội hay tết đến của anh Hiệu khiến bao người thức tỉnh, “Rượu say mất hết tính người/ Cờ bạc, hút hít, vương rồi khó gỡ ra/ Sạch túi rồi đến sạch nhà/ Bí đường, tắt lối phải ra làm liều/ Huớ! Nhì bí huớ Nhì bí”– đó là một trong những câu hô thai về quân bài Nhì bí trong lễ hội bài chòi.
Ở tuổi 90, lục trong ký ức hơn 80 năm trước về bài chòi ông Long đưa tay chỉ cả cơ ngơi và đàn cháu chít hơn 40 đứa vây quanh nghe ông hát bài chòi và kể tất cả gia sản ông có được hôm nay tất cả đề nhờ bài chòi mà có.
“Hồi nớ tui mê bài chòi lắm, mỗi năm đợi tết đến là bỏ ăn bỏ ngũ đi đánh bài chòi. Nhờ Bài chòi tui gặp được bả rồi nên duyên chồng vợ sống đến chừ có 10 đứa con và 40 đứa cháu. Bài chòi đã cho tui hạnh phúc hỏi tại sao không mê…” - ông Long kể.
Rất nhiều nghệ nhân bài chòi tôi gặp tất cả đều khẳng định bài chòi đã cuốn hút họ, đưa họ vào niềm mê đắm, giúp họ vượt qua dâu bể cuộc đời, qua binh đao lửa đạn chiến tranh và đến hôm nay sống trong thanh bình, bài chòi lại được vinh danh và niềm đam mê bài chòi không chỉ với họ, mà ngay cả lớp trẻ, ngay cả người nước ngoài cũng chìm trong mê đắm.
Ngay tại phố cổ Hội An, lễ hội bài chòi được tổ chức một không gian riêng vào tháng 2/1996, Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An ra đời (thuộc Trung tâm VH - TT Hội An), bài chòi cũng theo đó lên “sàn diễn”. Du khách say sưa theo từng tiếng trống chiến, từng âm điệu lên xuống của anh Hiệu.
Từ sự khởi đầu này, đến tháng 9/1998, khi sự kiện “Đêm phố cổ” - sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An ra đời, một không gian dành cho trò chơi này, với lối hô hát đặc sắc được mang ra giữa phố, thu hút người dân phố cổ và du khách hàng đêm.
Ông Đinh Hài cho biết ngay tại Hội An hiện có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia hơn 30 chương trình hằng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An. Gần đây nhất, đêm 01/09/2014, lần đầu tiên tại Công viên Kazic (đường Trần Phú), TP. Hội An tổ chức hội thi hô hát bài chòi với sự tham gia của 6 địa phương trên địa bàn.
“Việc bảo tồn và gìn giữ vốn quí của văn hóa như bài chòi tại Quảng Nam đến nay đã vươn ra ngoài biên giới Việt Nam, giao lưu với nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hungary, Nhật… Đưa nghệ thuật bài chòi vượt biên giới ra nước ngoài quảng bá nét văn hóa đặc trưng để khẳng định rằng, đây thực sự là một nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của Hội An, là đặc sản văn hóa của xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung”-Ông Đinh Hài tâm sự.