Quy định mới tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023, hành lang pháp lý về giao dịch căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch đã nét hơn.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tràn lan thông tin rao bán sai quy định về loại hình này, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.
Căn cứ theo Điều 24 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc khi đã đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh cụ thể gồm: Nhà ở, công trình xây dựng đã được khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Căn cứ theo khoản 5 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 thì chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, thuê giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ bên đặt cọc để mua, thuê mua khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Tuy vậy, khách mua sản phẩm tại các dự án căn hộ khách sạn sẽ không được thực hiện đăng ký cư trú, vì vậy mà khách hàng nếu giao dịch căn hộ khách sạn cần xem xét một số rủi ro có thể gặp phải như sau:
Thứ nhất, không có quyền lợi cư trú lâu dài. Vì không được đăng ký hộ khẩu thường trú, người mua căn hộ khách sạn không thể sử dụng căn hộ này như một nơi ở chính thức và ổn định. Điều này có thể gây bất tiện cho những người muốn sử dụng căn hộ khách sạn làm nơi ở cố định, dẫn đến việc phải tìm một nơi khác để đăng ký hộ khẩu.
Hơn nữa, người mua có thể không có đủ quyền sở hữu thực sự, nghĩa là họ không thể tự do sửa chữa, thay đổi hoặc cho thuê căn hộ mà không có sự đồng ý của chủ đầu tư. Hợp đồng mua bán thường được lập dưới dạng hợp đồng cho thuê dài hạn, do đó, người mua có thể không được bảo vệ pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
Thứ hai, hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công. Hộ khẩu thường trú tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng để người dân tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, y tế, và hành chính công. Nếu không có hộ khẩu tại nơi ở, người mua căn hộ khách sạn có thể gặp khó khăn trong việc: Đăng ký cho con học tại các trường công lập địa phương; Sử dụng dịch vụ y tế công cộng; Thực hiện các thủ tục hành chính khác.
Thứ ba, rủi ro về tài chính. Không có hộ khẩu thường trú hoặc chỉ sở hữu căn hộ khách sạn có thể gây khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Một số ngân hàng có thể yêu cầu người vay phải có hộ khẩu tại nơi thế chấp tài sản hoặc nơi cư trú cố định.
Thứ tư, rủi ro giảm giá trị bất động sản. Việc thiếu tính ổn định trong cư trú và sự hạn chế trong sử dụng làm nơi ở chính thức có thể khiến giá trị căn hộ khách sạn giảm dần theo thời gian, đặc biệt khi người mua không có đủ quyền lợi như khi mua một căn hộ để ở lâu dài.