Đề xuất này cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đừng vì nóng vội mà phá hủy thành quả đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ thời gian qua.
>>Giải pháp để người lao động không ồ ạt rút bảo hiểm xã hội
Tại cuộc họp gần đây của Ủy ban Xã hội Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, cho hay sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần tính phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH, tức 8% (so với lương), còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia.
Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Và nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho một năm tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, nếu rút BHXH một lần ở thời điểm hiện nay, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Trong khi đó, số “mất” sẽ lớn hơn rất nhiều. Số được nhận cũng giảm đi rất nhiều. Vì thế, đề xuất trên đang gây phẫn nộ rất lớn trong dư luận.
Lý giải thêm cho đề xuất này, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam giải thích rằng, các chuyên gia đề xuất phương án này để phù hợp với thông lệ quốc tế, đa số các nước hiện không cho phép người lao động rút BHXH một lần, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ khi về già.
Một lý do khác của việc chỉ được hưởng 8% là vì phần doanh nghiệp đóng vào quỹ BHXH được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng khi sử dụng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ nghĩa là xã hội đóng góp phần 14% này, chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Đó là lý lẽ của việc giữ lại phần xã hội đóng góp.
>>Sớm sửa luật để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
>>“Hạ mốc” thời gian nhận bảo hiểm xã hội?
>>Hỗ trợ giảm thuế và bảo hiểm xã hội cần kịp thời
“Phần xã hội đóng thì xã hội tạm giữ lại, đến khi người lao động hết tuổi lao động sẽ được hưởng. Nhà nước luôn mong chờ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh cho bản thân”, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Thế nhưng, vốn dĩ đề xuất trên đã gây ý kiến trái chiều ngay từ khi manh nha ý tưởng. Về phía đại diện cho tiếng nói người lao động, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng: “Đứng dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của người lao động, tôi không đồng tình”. Ông Quảng nói thêm, thực tế một khi người lao động đã túng thiếu thì rút bao nhiêu cũng sẽ chấp nhận và khi đó họ càng thiệt thòi.
Thực tế cho thấy, không người lao động nào muốn rút BHXH 1 lần cả. Đa số người lao động đều muốn để dành BHXH cho đến tuổi hưu để không phụ thuộc con cái hoặc vì cuôc sống thiếu thốn, khó khăn họ mới phải rút.
Công nhân, người lao động lại thiếu nguồn cho vay khi khó khăn nên phần lớn chỉ dựa vào “một cục tiền” bảo hiểm. Tức là, người lao động biết nhận một lần sẽ mất 0,64 tháng lương so với số tiền đóng vào mỗi năm nhưng vẫn chấp nhận.
Mặt khác, một vấn đề cần suy nghĩ đó là tiền BHXH là trích từ lương của người lao động - tài sản của người lao động. Đến khi cần họ rút ra tại sao lại không cho? Người lao động nếu không may mất sớm trước khi nghỉ hưu thì chẳng được nhận gì cả, vậy số tiền đó đi đâu?
Do đó, thay vì nghĩ phương án chỉ để người lao động được rút 8%, hãy tạo điều kiện để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Từ đó mới nâng cao tiền lương, mức đóng BHXH cho người lao động.
Đồng thời, cơ quan chuyên môn khi cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Đề xuất việc gì cũng nên kỹ càng và thấu tình đạt lý. Đừng làm chính sách trong phòng lạnh, đừng vì nóng vội mà phá hủy thành quả đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ.
Bởi chính sách xã hội là đảm bảo an sinh xã hội cho hàng triệu người lao động, nên mọi quyết sách phải hợp lý và tránh những thay đổi lớn gây “sốc” cho người lao động. Người dân vẫn chưa kịp vui từ việc tăng lương cơ sở lên 21% đừng để lòng họ nguội lạnh.
Có thể bạn quan tâm
20:10, 26/07/2022
01:00, 11/06/2022
04:00, 07/06/2022
02:04, 28/03/2022