Ngày Tết với hầu hết đồng bào các dân tộc không chỉ là một dấu mốc quan trọng giữa năm cũ và năm mới, mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng.
Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số, chiếm hơn 10% dân số của tỉnh. Trong đó, người Dao có hai nhánh chính là Thanh Y, Thanh Phán, thường cư trú ở vùng núi cao; người Sán Dìu, Sán Chỉ ở vùng núi thấp. Ngoài ra, còn có người Tầy, Hoa, Nùng và Mường… Các dân tộc này đến nay còn lưu giữ được những nét văn hóa, bản sắc đặc trưng như ngôn ngữ, y phục, phong tục và cả những lễ hội rất riêng của mình.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có hơn 600 di sản văn hoá vật thể là những đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ. Quảng Ninh còn được biết đến là tỉnh lưu giữ hàng ngàn hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.
Một trong những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đó là nhiều lễ hội dân nhịp tết cổ truyền. Các lễ hội của đồng bào đã được phục dựng lại, tổ chức đi vào nền nếp như lễ đình Lục Nà (Bình Liêu), lễ Đại Phan của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), lễ tết dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, lễ tết dân tộc Tày, xã Phong Dụ (Tiên Yên)...
Theo ông Triệu Quý Trình, người dân tộc Dao, trú tại thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh: Trước đây, đời sống các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế và văn hoá còn chậm phát triển. Song đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con các dân tộc đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, khi ngành văn hóa đã tổ chức, phục dựng lại những lễ hội của mỗi dân tộc, qua đó giúp người dân hiểu thêm về lịch sử, giá trị truyền thống của cộng đồng, nâng cao tình đoàn kết và qua đó giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa của các dân tộc.
Bình Liêu là huyện có đông đồng bào Tày cư trú nhất tỉnh. Theo ông Phan Ngọc Sinh, ở bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô, vào ngày 25 tháng Chạp, người Tày bắt đầu rửa lá dong gói bánh chưng. Một số dòng họ có tục gói bánh chưng bố, bánh chưng mẹ, một cái dài, một cái tròn, nhân bằng trứng và cá. Ngoài ra còn gói bánh cốc mò để treo ở cửa và bàn thờ mụ (với nhà nào có trẻ con). Bánh treo ở cửa để ngụ ý những người không nhà cửa đi qua đói thì lấy về ăn.
>>>Thanh Hóa: Người dân ùn ùn xuống phố, "cõng Tết' về nhà
Lễ hội của người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, Hoành Bồ) được tổ chức hàng năm vào ngày 1-2 (âm lịch).
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc này. Vào ngày này, con cháu các dòng họ người Dao trong làng dù đi đâu xa cũng quy tụ về chung vui.
Người Tày, Sán Chỉ có văn hóa vô cùng phong phú với đủ các thể loại thơ, ca, múa, nhạc… Song hát then, hát lượn, hát sóong cọ vẫn là những làn điệu đặc sắc nhất.
Sáng 30 Tết, mọi người dậy sớm để quét dọn nhà cửa, tỉa chân hương, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa nhà, cây cối. Các gia đình người Tày thường dán giấy đỏ từ cửa nhà, bàn thờ tổ tiên đến chuồng trại và dụng cụ sản xuất... Giấy đỏ là vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc, sức khỏe, cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hại. Việc dán giấy đỏ là để cảm ơn và mời các vật dụng ăn Tết cùng gia chủ.
Mùng 1, người Tày kiêng sát sinh, do vậy việc thịt gà, lợn đều phải làm vào ngày 30 Tết. Đêm 30, các gia đình gói bánh chay để cúng tổ tiên vào sáng mùng 1. Bánh làm bằng gạo nếp, gói lá chuối, buộc thành từng cặp, mỗi cái nhỏ bằng 3-4 ngón tay, dài 10-15cm, không có nhân.
Sáng mùng 1, cỗ cúng tổ tiên còn có xôi vàng làm từ nước ngâm quả dành dành, một số họ còn sắm lễ cúng bằng hoa chuối, thân chuối rừng non. Đặc biệt, sáng mùng 1, mọi người thường ăn chay. Việc ăn chay kéo dài đến giữa trưa hoặc chiều, khi mà gia đình đã hoàn thành cúng tổ tiên. Ẩm thực ngày Tết của người Tày thường là thịt gà luộc, chân giò kho, cá...
Mùng 1 Tết, chủ nhà sẽ dậy thật sớm cùng người nhà xuống suối lấy nước về rửa mặt mũi, chân tay vì đồng bào quan niệm rửa nước suối sạch sẽ sẽ được một năm nhiều may mắn. Trong khi chờ chủ nhà lấy nước, con cháu đi cùng sẽ lấy dây buộc vào hòn đá cuội mang về nhà tung vào chuồng trâu, chuồng gà ngụ ý mong muốn một năm mới trâu bò, lợn gà sinh sôi đầy chuồng, đầy sân. Sáng mùng 1, người Tày kiêng không vào nhà nhau, không vào vườn của nhau, không đánh nhau, không khóc để cầu một năm bình an. Đến nhà nhau chơi, mọi người thường chúc nhau năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát tài (tiếng Tày là bưn chiêng pi mới hết kên phát sài).
Trong khi đó, người Dao Thanh Phán ở Hải Hà, Ba Chẽ thường tổ chức đón Tết từ 20 tháng Chạp. Ngay từ đầu tháng, từ người già đến trẻ nhỏ đã tất bật chuẩn bị chào đón năm mới. Tết bắt đầu từ nhà lớn của đại gia đình dòng họ để tưởng nhớ về tổ tiên. Người Dao Thanh Phán quan niệm chưa có Tết ở nhà lớn xem như Tết không có ý nghĩa. Tùy vào điều kiện công việc mà mỗi họ thống nhất tổ chức đón Tết vào các ngày khác nhau nhưng thường bắt đầu từ ngày 20 đến 22 tháng Chạp, muộn nhất là ngày 25. Lễ vật để đón Tết tại nhà lớn cũng đơn giản, chỉ là cây nhà lá vườn; mỗi gia đình đóng góp một vài món, nhà góp gà, nhà góp gạo, góp thịt, góp rượu... Sau Tết ở nhà lớn, các gia đình chọn một ngày đón Tết riêng dành cho gia đình mình.
Mâm cúng trong những ngày Tết của các gia đình khá đơn giản, chỉ là hoa quả, bánh chưng, thịt gà, thịt lợn... Vào thời khắc giao thừa, mọi người trong gia đình kính cẩn đứng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà sẽ thắp 3 nén nhang rồi xin phép hạ bát nước xuống đưa cho mỗi người uống một ngụm để lấy may mắn.
Người Dao Thanh Phán không kiêng kỵ, xem tuổi để xông nhà. Tết đến, mọi người rủ nhau đi chúc Tết các gia đình họ hàng, bạn bè, chúc nhau những điều tốt đẹp, chơi các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn. Đối với người Dao Thanh Y, nghi lễ ngày Tết khá giản đơn.
Ông Đặng Văn Thương, Trưởng bản người Dao ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ) cho biết, vào ngày 30 Tết, các gia đình người Dao Thanh Y thường làm mâm cỗ mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Ẩm thực ngày Tết cũng không cầu kỳ. Đầu năm, gia đình nào cầu xin ông bà phù hộ điều gì thì cuối năm sẽ làm mâm tạ lễ như lời hứa. Trong 3 ngày Tết, mọi người đến các gia đình người thân, bạn bè chúc Tết. Từ ngày 3 đến 15 tháng Giêng, tuỳ theo sớm hay muộn mà các gia đình “hoá vàng” cúng tiễn các cụ.
Với người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên) - xã có hơn 90% dân số là người Sán Chỉ, ngày 30 Tết, các gia đình cũng soạn mâm cỗ cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Theo ông Nình Văn Cao, dân tộc Sán Chỉ, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đại Dực, trong những ngày Tết, ẩm thực của người Sán Chỉ chủ yếu là các món từ thịt gà, thịt lợn, bánh thì cơ bản có bánh chưng. Sáng mùng 1 Tết, người Sán Chỉ thường chọn nhờ người hợp tuổi xông nhà trước, rồi mọi người mới đến. Khách chủ thường chúc nhau một năm mới mạnh khoẻ, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Trải qua thời gian, tác động của cuộc sống mới, đáng mừng là nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống ngày Tết của đồng bào các dân tộc ở Quảng Ninh không những được duy trì, mà một số lễ tục còn được phục hồi, phát huy giá trị trong gia đình, dòng họ, làng bản.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 24/01/2022
04:00, 23/01/2022
03:00, 23/01/2022
06:31, 22/01/2022
05:00, 22/01/2022
04:00, 21/01/2022
05:00, 19/01/2022
05:00, 18/01/2022
04:04, 16/01/2022
02:00, 09/01/2022