Trong cuốn sách “Giải mã doanh nhân” (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), David Sax đã xóa tan những lầm tưởng phổ biến về doanh nhân kinh doanh, khởi nghiệp.
Đồng thời, truyền động lực cho độc giả xây dựng doanh nghiệp theo cách của riêng mình.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Cuốn thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhắc đến các cụm từ “doanh nhân” và “khởi nghiệp”, hầu hết mọi người đều ngay lập tức nghĩ đến Thung lũng Silicon, những chương trình truyền hình nổi tiếng như Shark Tank cùng bầu không khí khởi nghiệp bao trùm ở khắp nơi trên thế giới với những quán café, nơi cung cấp dịch vụ chia sẻ không gian làm việc với cơ man những kẻ mộng mơ bên máy tính cá nhân đang xây dựng đế chế của riêng mình.
Thị trường sách, podcast, báo chí truyền thông cũng ngập tràn tác phẩm viết, chia sẻ về các doanh nhân nổi tiếng, kinh nghiệm khởi nghiệp. Các trường đại học cũng chạy đua để xây dựng và mở rộng các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy về kinh doanh, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp. Các tổ chức phi lợi nhuận cùng nhiều cơ quan chính phủ, tập đoàn lớn cũng tham gia vào guồng quay này. Thêm vào đó, tiến bộ công nghệ càng khiến cho quá trình khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Tất cả những điều này khiến hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, con người đang ở trong kỷ nguyên vàng của khởi nghiệp.
Tuy nhiên, khi xem xét số liệu cụ thể, David Sax, nhà văn, nhà báo, diễn giả chuyên về mảng kinh doanh và văn hóa người Canada đã phát hiện ra một sự thật hoàn toàn trái ngược: So với số người khởi nghiệp 20-30 năm về trước, số doanh nhân hiện tại ít hơn nhiều. Tại Mỹ, trước đây 2/10 người Mỹ tự làm chủ công việc của mình, ngày nay con số này chỉ là 1/10. Tình hình ở các quốc gia phát triển khác cũng tương tự.
Và hành trình tìm hiểu sự tương phản trong nhận thức và thực tế ảm đạm về doanh nhân khởi nghiệp của David Sax đã dẫn đến sự ra đời của cuốn sách “Giải mã doanh nhân”, trong đó ông đã xóa tan những lầm tưởng phổ biến về doanh nhân kinh doanh, khởi nghiệp; truyền động lực cho độc giả xây dựng doanh nghiệp theo cách của riêng mình.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Thức dậy muốn đi làm”
Cuốn sách “Giải mã doanh nhân” được chia làm 4 phần, trong đó phần đầu tiên tác giả đi sâu giải thích vào những lầm tưởng phổ biến về kinh doanh và khởi nghiệp.
Những doanh nhân được coi là các vị thánh, hình mẫu tiêu biểu cho phong trào khởi nghiệp của Thung lũng Silicon bao gồm Bill Gates của Microsoft, Larry Ellison của Oracle, Jeff Bezos của Amazon, Steve Jobs của Apple, Elon Mush của SpaceX, Mark Zurkerberg của Facebook… Thông minh, khởi nghiệp ngay từ khi còn rất trẻ tuổi, không bỏ cuộc trước thất bại, cuối cùng họ thành công và trở nên giàu có, nổi tiếng – là đặc điểm chung của những doanh nhân xuất chúng này.
Dù chỉ là một tập hợp rất nhỏ, nhưng với sự góp sức của các hãng truyền thông thạo đời, hành trình kinh doanh của những vị thánh này trở thành những huyền thoại có sức hút mãnh liệt, và là mục tiêu phấn đấu của không ít người trẻ tuổi. Thậm chí ngay cả khi chưa đạt được thành công gì, họ cũng cố gắng bắt chước các thần tượng của mình bằng cách này hay cách khác, đơn giản từ cách ăn mặc, phục sức trở đi. Điều này theo đánh giá của nhiều chuyên gia: nó trái ngược với tinh thần kinh doanh chân chính, và không thể là hạt giống của sự đổi mới.
Thêm vào đó, khi khuôn mẫu khởi nghiệp của Đại học Stanford và Thung lũng Silicon lan rộng ra khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người đều cho rằng khởi nghiệp liên quan đến việc lên ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, kêu gọi vốn đầu tư, cuối cùng mới là xây dựng doanh nghiệp.
Hậu quả là hiện nay có rất nhiều người trẻ xuất phát từ cái nôi của tinh thần kinh doanh hiện đại (Đại học Stanford, Thung lũng Silicon, Đại học Harvard) và ở khắp nơi trên thế giới, chỉ chăm chú vào quá trình lập kế hoạch kinh doanh và gọi vốn đầu tư; mà không quan tâm nhiều đến việc vận hành kinh doanh thực sự.
Sự sụp đổ của Theranos, công ty “rởm” về xét nghiệm máu của Elizabeth Holmes đã huy động được 700 triệu đô la và được định giá là 10 tỷ đô la, dù không thực hiện được một xét nghiệm và không thu được một đồng đô la doanh thu nào; cũng như thất bại của nhiều dự án khởi nghiệp khác tại Thung lũng Silicon… là hồi chuông cảnh tỉnh cho khuôn mẫu khởi nghiệp này.
“Kinh doanh vốn mang tính cá nhân và cũng đa dạng hơn rất nhiều, cả về nền tảng của các doanh nhân cũng như hành trình họ thực hiện”. Đây chính là thông điệp mà tác giả David Sax muốn truyền tải tới độc giả.
Trong hai phần tiếp theo của cuốn sách “Giải mã doanh nhân”, David dẫn dắt độc giả đến với câu chuyện của những người lần đầu khởi nghiệp như những người tị nạn Syria ở Toronto, chủ một cửa hàng bán bánh trên bãi biển Rockaway vùng ngoại ô New York… Rồi câu chuyện của những người kế thừa như doanh nhân Kevin Mauger với hệ thống tự động NCC, Iduna Weinert với nhà máy rượu của gia đình tại Argentina… thậm chí là câu chuyện khởi nghiệp của chính người thân, bạn bè của tác giả.
Khác với hình thức trông chờ nguồn vốn từ những nhà đầu tư mạo hiểm theo kiểu khởi nghiệp của Thung lũng Silicon, những doanh nhân mà David Sax kể ra hoàn toàn khởi nghiệp dựa vào nguồn vốn của chính mình hoặc gia đình mình. Khởi nghiệp kinh doanh với họ là con đường không có đường lui, dù thế nào họ cũng phải tiến về phía trước. Vì trong nhiều trường hợp nếu không làm vậy, họ sẽ không thể tạo ra được sinh kế, đẩy gia đình vào đói nghèo.
Ở trong hoàn cảnh đó, tinh thần kinh doanh của các doanh nhân khởi nghiệp sẽ quyết liệt hơn nhiều lần những người trẻ xuất thân từ các trường nằm trong top Ivy - nếu có thất bại, số tiền mất đi chủ yếu là của các nhà đầu tư, hiếm khi là tài sản cá nhân của những người sáng lập. Hành trình khởi nghiệp trở thành câu chuyện nằm trơ trọi trên sơ yếu lý lịch, và chủ nhân của những tấm bằng từ các trường thuộc nhóm Ivy không mấy khó khăn tìm một công việc mới.
Cũng bởi không liên quan về tài chính với các nhà đầu tư, nên những doanh nhân này có sự độc lập hoàn toàn trong việc xác định định hướng kinh doanh cũng như cuộc sống của mình. Đây chính là điều khiến nhiều người kiên quyết phải khởi nghiệp cho bằng được- và cũng là điều được David Sax đặc biệt nhấn mạnh trong định nghĩa về doanh nhân và tinh thần kinh doanh mà ông tán thành.
Jason Fried, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm phát triển web Chicago Basecamp, tác giả của một số đầu sách kinh doanh bán chạy cũng đồng tình quan điểm này với David Sax. Ông nói: “Khoảnh khắc bạn lấy tiền từ người khác là bạn đang làm việc cho họ mất rồi. Trở thành doanh nhân có ích gì nếu bạn không thể làm việc cho chính mình?”. Chicago Basecamp là công ty có tính sáng tạo cao, đã tạo ra phần mềm thiết kế web tiêu chuẩn Ruby on Rails, kiếm được hàng chục triệu đô la tiền lãi một năm, mà không có một xu vốn đầu tư mạo hiểm. Fried nói: “Chúng tôi tự làm ra tiền. Chúng tôi bán sản phẩm và mọi người trả tiền cho nó”. Họ hoàn thành công việc và được trả công, không màng tới các vòng kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm như nhiều công ty khác trong nền kinh tế toàn cầu.
Dầu vậy thông qua câu chuyện của các doanh nhân được đưa ra trong cuốn sách, David Sax cũng chỉ ra thực tế: khi vật lộn với hành trình kinh doanh của riêng mình, nhiều doanh nhân phải đối mặt không ít khó khăn như phải đối mặt với áp lực công việc, rắc rối về tài chính, trục trặc trong quan hệ với người thân…
Vì vậy “Giải mã doanh nhân” là cuốn sách truyền tải nhiều thông điệp của tác giả David Sax. Không chỉ giải thích những lầm tưởng phổ biến, đồng thời chỉ ra sự đa dạng trong quá trình khởi nghiệp, kinh doanh; cuốn sách còn thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà các doanh nhân độc lập cần phải nỗ lực để vượt qua trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, để có thể duy trì sự độc lập của mình.
“Giải mã doanh nhân” sẽ truyền cho những ai đang ấp ủ khởi nghiệp động lực để xây dựng doanh nghiệp theo cách của riêng mình. Với các doanh nhân đã khởi nghiệp, cuốn sách sẽ giúp họ tìm thấy ít nhiều hình bóng của mình trong trang sách, cũng như niềm an ủi động viên trước những căng thẳng, áp lực trong công việc kinh doanh hàng ngày.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 12/12/2021
05:00, 11/12/2021
05:00, 21/11/2021
05:00, 20/11/2021
05:00, 14/11/2021
05:00, 30/10/2021
05:19, 17/10/2021
05:00, 16/10/2021
04:46, 03/10/2021