Bài học mà Scooter và Youtube để lại là công nghệ có thể tạo ra những “khoảng hở” mới cho những mô hình kinh doanh mang tính đột phá.
Được viết bởi Giám đốc khối Kinh doanh của YouTube và cây bút hàng đầu tại Google, cuốn sách “STREAMPUNKS "Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông” mang đến một góc nhìn đầy hấp dẫn vào bộ óc sáng tạo và đầy quyết đoán của những con người làm nên sự thay đổi đến những gì mà chúng ta xem.
Khi còn là sinh viên tại Emory College, khoa Khoa học và Nghệ thuật, Scooter Braun đã trở thành một “bầu sô” rất thành công, thu hút hàng trăm sinh viên cũng như các nghệ sĩ địa phương như CeeLo Green, Ciara và Lil Jon. Mọi người dồn sự chú ý vào anh, chẳng mấy chốc Scooter sắp xếp những buổi dạ hội cùng với Britney Spears, NSYNC và Ludacris khi họ lưu diễn ở thị trấn này.
Năm 2007, Scooter Braun xem một video trên YouTube về một cậu bé 12 tuổi tại một chương trình tuyển chọn tài năng. Anh đã tìm cách liên lạc với mẹ của cậu bé, bà Pattie Mallette. Sau khi nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ trên điện thoại, anh đã thuyết phục được bà dẫn cậu bé đến Atlanta, nơi anh sắp xếp cho họ một căn nhà trong thị trấn và bắt đầu làm việc để định hình sự nghiệp âm nhạc cho cậu.
Trong một năm rưỡi đó, Scooter cũng bắt đầu xây dựng kênh YouTube cho cậu bé. Những video đầu tiên là những bài hát “cover” những ca khúc xưa bằng cây guitar gỗ, xen kẽ những đoạn chơi trống. Một số video dài khoảng ba phút, một số chỉ vỏn vẹn 30 giây, nhưng Scooter áp dụng cùng một nguyên tắc trong tất cả các video: Không cần nói tên, cứ việc hát và không cần phải nhìn vào camera. Anh muốn làm cho clip có tính chất gợi sự tò mò. Anh muốn mọi người nghĩ rằng họ đang xem một điều gì đó có tính riêng tư, tạo ra cảm giác thân thuộc hơn.
Những video đó từ từ bắt đầu có người xem, nhưng có cái nào thật sự kết nối theo cách Scooter nghĩ. Họ cứ quay hết video này đến video kia, cho đến khi video thứ mười sáu xuất hiện và được khán giả lan truyền rộng rãi. Chỉ một đêm, video đó đã đạt được một triệu lượt xem, dẫn đến hiệu ứng “thơm lây” cho tất cả mười lăm video trước đó. Chẳng lâu sau, tất cả video đều cán mốc triệu luợt xem. “Chúng tôi là Netflix”, Scooter nói. “Chúng tôi cho khán giả cả một bộ phim dài tập. Chúng tôi sắp đặt thành một catalog cho khán giả lựa chọn, đó là cách họ muốn vậy”.
Đến khi tổng lượt view từ kênh Youtube leo lên khoảng 60 triệu, Scooter bắt đầu đưa cậu bé đến các hãng đĩa để ký hợp đồng nhưng tất cả mọi người đều tỏ ra muốn “dìm hàng” cậu. Họ nói nghệ sĩ trên YouTube sẽ không thể trở thành ngôi sao và lượt xem không thể bán được.
Họ nói rằng cậu ấy không nổi tiếng, cậu ấy sẽ không thể ra đĩa. Scooter thậm chí đưa cậu bé đến nhà sản xuất âm nhạc huyền thoại Clive Davis, nhưng nhóm của Davis cho Scooter cho biết anh ta không sử dụng Internet và chưa bao giờ xem YouTube cả. “Anh có thể cho chúng tôi một cái DVD để chào hàng hay không?”, Clive Davis đề nghị.
Ngày nay, không một ai nghi ngờ sức ảnh hưởng và doanh thu khổng lồ đến từ Youtube. Cậu bé năm nào của Scooter Braun giới thiệu cũng chính là “hiện tượng âm nhạc” nổi nhất của làng nhạc Pop thế giới trong 10 năm qua – Justin Bieber.
Hiện tại, Justin sở hữu hàng trăm giải thưởng âm nhạc uy tín, 21 tỷ lượt xem Youtube và là một trong những ngôi sao giải trí ảnh hưởng nhất đến giới trẻ. Những tour diễn của anh luôn “chật ních” hàng chục ngàn fan hâm mộ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thực tế, hầu như một nghệ sĩ không thể tìm được sự nhìn nhận từ truyền thông chính thống mà không có trong tay một hợp đồng nào cả. Bởi để trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, cần phải có ca khúc được phát trên đài phát thanh và album phải có trên các kệ của tiệm đĩa. Chỉ có những hãng đĩa lớn có thể tài trợ chi phí ghi âm đắt đỏ, quảng cáo và phân phối khắp cả nuớc một album cho ca sĩ. Tương tự, cần phải có sự hỗ trợ của hãng đĩa để “đột nhập” vào những danh sách được kiểm soát gắt gao trên các đài phát thanh phổ biến của quốc gia.
Kể từ khi phát hiện ra Justin Bieber trên YouTube vào năm 2007, Scooter đã xây dựng một trong những mô hình kinh doanh quản lý âm nhạc thành công nhất lịch sử bởi suy nghĩ “mạng xã hội chính là một loại băng cối mới, một loại dĩa nhựa mới” và “có thể dùng những công cụ đang nổi trên mạng xã hội này để “đẩy” một nghệ sĩ lên mà không cần một hãng đĩa danh tiếng hỗ trợ”.
Ngày nay, ngoài đại diện cho Justin, Scooter còn quản lý Usher, Ariana Grande, Vic Mensa, Kanye West và một số ca sỹ khác. Anh cũng lập hãng thu âm Schoolboy Records, một thương hiệu độc lập có khá nhiều ca khúc lọt vào Top 40 với một số nghệ sĩ như Tori Kelly và Carly Rae Jepsen. Trong những hoạt động mới nhất, anh đã sản xuất video, phim và các chương trình truyền hình, bao gồm Scorpion trên CBS, một câu chuyện về nhóm hacker mũ trắng được các Millennial mê mẩn.
Bài học mà Scooter và Youtube để lại là công nghệ có thể tạo ra những “khoảng hở” mới cho những mô hình kinh doanh mang tính đột phá. Scooter đã cho ngành công nghiệp ghi âm thấy mô hình tìm kiếm ngôi sao nhạc pop hoàn toàn có thể đi theo hướng lật ngược lại.
Không chỉ những tài năng âm nhạc mới có thể được phát hiện trên Internet – như một số hãng đĩa đã ký hợp đồng với nghệ sĩ trực tiếp từ MySpace – mà “trí tuệ tập thể” cũng có thể mang những nghệ sĩ sẵn sàng đứng truớc camera trực tiếp đến với họ.
Bởi vì YouTube vốn dĩ là một môi truờng về hình ảnh, cũng có nghĩa là những nghệ sĩ thành danh sẽ vừa có cả “thanh lẫn sắc”. Và trên hết, môi trường này là toàn cầu: bất kể ngôi sao đó đến từ đâu, miễn là âm nhạc của họ có tiềm năng cộng hưởng khắp nơi là được.