Năng lực sáng tạo là sức mạnh cạnh tranh mũi nhọn của các doanh nghiệp, tổ chức trong thời đại công nghệ phát triển và làm thay đổi nhanh chóng đời sống xã hội như hiện nay.
Nếu tạo ra được các điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp/ tổ chức sẽ thúc đẩy và phát triển được sức mạnh này.
Đây là một trong những thông điệp chính được Tiến sĩ Ken Robinson đưa ra trong cuốn sách “Từ tâm trí- Sức mạnh của sự sáng tạo”.
Những người quan tâm đến chủ đề giáo dục, sáng tạo trên TEDx Talks hầu hết đều biết đến các video nói chuyện có hàng chục triệu lượt người xem của TS Ken Robinson, một tác giả, nhà giáo dục, chuyên gia về sáng tạo hàng đầu của thế giới.
Năm 2003 TS Robinson đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp trong giáo dục. Năm 2011, ông được tạp chí Fast Company vinh danh là “một trong những nhà tư tưởng ưu tú trên thế giới về sự sáng tạo và đổi mới” và được xếp hạng trong danh sách Thinkers50- những nhà lãnh đạo tư tưởng kinh doanh hàng đầu thế giới.
Trong cuốn sách bán chạy nổi tiếng “Từ tâm trí: Sức mạnh của sự sáng tạo”, TS Robinson dành khá nhiều dung lượng để phân tích sự cần thiết của sáng tạo đối với năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, tổ chức cũng như cá nhân trong thời đại hiện nay. Ông đồng thời giúp các cá nhân, tổ chức hiểu sâu hơn về khả năng sáng tạo của họ, cũng như những rào cản đang kìm hãm năng lực này.
Theo TS Robinson, rào cản sáng tạo lớn nhất trong mỗi cá nhân được hình thành từ phương pháp giáo dục vô cùng phổ biến tại nhiều quốc gia: chỉ chú trọng ngôn ngữ, toán học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ; mà hoàn toàn coi nhẹ các môn xã hội, nghệ thuật. Phương pháp giáo dục theo kiểu dây chuyền này, cho mọi học viên sử dụng cùng một tài liệu cũ, tham gia các khóa học giống nhau, được chấm điểm trên cùng một thang điểm, học viên chỉ cần tiến bộ một cách bình thường trong quy trình này thì đã được coi là thành công.
Phương pháp này cho phép các quốc gia đào tạo một cách hiệu quả lực lượng lao động trong các công việc sản xuất, kỹ thuật công nghiệp theo dây chuyền, ít có sự thay đổi; và làm cùn mòn khả năng sáng tạo của học viên cũng là nguồn nhân lực tương lai của xã hội. Phương pháp đào tạo này không còn phù hợp với thế giới kinh doanh hiện đại, nơi đòi hỏi khả năng thích ứng linh hoạt và sáng tạo là năng lực bắt buộc phải có của các nhân sự.
Để thúc đẩy sự phát triển của năng lực sáng tạo cho nguồn nhân lực, TS Robinson đề xuất cần phải có sự thay đổi trong phương pháp giáo dục của các chính phủ, liên bang. Đây cũng chính là những điều chắt lọc từ các chiến lược thúc đẩy năng lực sáng tạo đã được ông đề xuất cho Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Singapore cũng như nhiều bang của Hoa Kỳ.
Theo TS Robinson, trong khi chờ đợi sự thay đổi về phương pháp giáo dục của chính phủ, các doanh nghiệp/ tổ chức nếu muốn thì cũng hoàn toàn có thể thực hiện việc thúc đẩy sự sáng tạo trong tổ chức của mình. Chương 9 của cuốn sách “Từ tâm trí: Sức mạnh của sự sáng tạo” sẽ cung cấp cho các lãnh đạo những hướng dẫn hữu ích này.
Trước hết, khi thúc đẩy sự sáng tạo các nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ 2 quan niệm sai lầm sau.
Thứ nhất là sợ rằng trách nhiệm đưa ra những ý tưởng mới sẽ chỉ thuộc về họ. Thực tế, vai trò chính của một nhà lãnh đạo sáng tạo là nuôi dưỡng và tạo điều kiện xây dựng một môi trường nơi mà mọi cá nhân trong tổ chức đều có thể sáng tạo.
Thứ hai là cho rằng môi trường sáng tạo là môi trường mà họ phải buông bỏ mọi quyền kiểm soát và đổi lấy sự hỗn loạn. Trên thực tế, sự sáng tạo và đổi mới phát triển mạnh khi có sự cân bằng thoải mái giữa thử nghiệm và giám sát truyền thống.
Khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sợ sự sáng tạo, họ thường tin vào kiểu cấu trúc nơi làm việc truyền thống có từ năm 1900, khi cuốn ‘Nguyên tắc quản lý khoa học’ của Frederick Taylor được xuất bản và trở thành cuốn sách hướng dẫn phổ biến cho các công ty trong cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Cấu trúc này mô tả cách thức sắp xếp để một lực lượng lao động có thể tối đa hóa năng suất và lợi nhuận tương đương như máy móc. Tuy nhiên mô hình đã và đang chứng minh sự kém hiệu quả, kìm hãm sự sáng tạo, và không còn phù hợp với ngày nay.
TS Robinson cho rằng, ngày nay, các nhà lãnh đạo đổi mới cần phải linh hoạt để xây dựng một môi trường sáng tạo. Đây là cách duy nhất để xử lý những thay đổi nhanh chóng hiện nay trong công nghệ, cũng như trong các chính sách tài chính, thỏa thuận thương mại và cạnh tranh toàn cầu mới.
Một trong rất nhiều hướng dẫn khác để tạo điều kiện cho sự sáng tạo của TS Robinson là: hãy tập hợp các nhóm liên ngành với nhiều quan điểm khác nhau.
Khi nghĩ về sự sáng tạo, nhiều người chỉ nghĩ đến hình ảnh của một người đang chăm chỉ làm việc trong không gian của họ. Nhưng trên thực tế, những sáng tạo gây tiếng vang đều là kết quả của nhiều người trao đổi ý tưởng và làm việc cùng nhau. Vì vậy, để tạo điều kiện sáng tạo hiệu quả người lãnh đạo cần biết tập hợp các quan điểm khác nhau thông qua các nhóm liên ngành.
Đây là những gì công ty IDEO đã/ đang làm, và đó là lý do tại sao họ là một trong 25 nhà tư vấn thiết kế tốt nhất và sáng tạo nhất trên thế giới theo đánh giá của Business Week. Các nhóm tại IDEO đảm nhận việc phát triển đồ chơi, thiết bị văn phòng, máy tính, v.v.
Đối với mọi dự án, IDEO tạo ra một nhóm chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm kỹ thuật, thiết kế sản phẩm, khoa học hành vi, tiếp thị, cùng nhiều chuyên gia khác.
Vì mỗi chuyên gia đóng góp một quan điểm và bộ kỹ năng khác nhau, vì vậy các nhóm đều đại diện cho sự kết hợp mạnh mẽ của các ý tưởng và có thể đưa ra nhiều giải pháp cho mọi vấn đề. Và mỗi ý tưởng sau đó có thể được tạo mẫu, phê bình và thử nghiệm cho đến khi họ tìm ra giải pháp tốt nhất.
Theo TS Robinson, để sáng tạo thành công, thông tin cần được lưu chuyển tự do, vì vậy các nhóm và tổ chức nên bỏ qua hệ thống phân cấp cứng nhắc. Bằng cách này, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp cận được nhiều ý tưởng độc đáo nhất có thể.
Và rất nhiều chiến thuật khác nữa.
Chất chứa đầy trí tuệ và kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm liền cống hiến trong lĩnh vực giáo dục và sáng tạo, cuốn sách “Từ tâm trí- Sức mạnh của sự sáng tạo” của TS Robinson vì vậy là một ấn phẩm hữu ích với các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như tất cả các thầy cô và các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu và học hỏi chiến lược, phương pháp giáo dục đào tạo hiệu quả nhất cho thời đại ngày nay.
Bên cạnh đó, với những hướng dẫn thiết thực về việc thúc đẩy sự sáng tạo trong các doanh nghiệp/ tổ chức, cuốn sách “Từ tâm trí- Sức mạnh của sự sáng tạo” cũng là một ấn bản nên đọc với tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp/ tổ chức quan tâm đến vấn đề này.
Kể từ xuất bản lần đầu năm 2001 đến nay, cuốn sách bán chạy “Từ tâm trí- Sức mạnh của sự sáng tạo” đã được tái bản và bổ sung ba lần, cũng như nhận được rất nhiều lời khen ngợi của độc giả cùng các chuyên gia về giáo dục, sáng tạo và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới.
Nhận xét về cuốn sách Warren Bennis, Giáo sư ưu tú ngành kinh doanh Đại học Nam California đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp Trường kinh doanh Harvard viết: “Nếu có thời khắc mà sáng tạo là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của bất kì tổ chức nào, thì đó chính là lúc này. Và cuốn sách này, hơn bất kỳ cuốn sách nào tôi biết, cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách các nhà lãnh đạo có thể gợi lên và duy trì tinh hoa sáng tạo đó”.
Có thể bạn quan tâm
05:08, 20/03/2021
05:01, 07/03/2021
05:18, 28/02/2021
05:00, 10/01/2021
05:00, 09/01/2021
05:00, 03/01/2021
05:00, 02/01/2021
05:00, 26/12/2020
05:00, 19/12/2020
05:00, 13/12/2020