Kinh tế

Sản phẩm Việt vẫn gia công, giá trị gia tăng thấp

Nguyễn Việt 27/08/2024 03:20

Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 8/2024 đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.

hàng việt 1
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến giữa tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam hiện đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới và là 1 trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là hàng nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, có đến 70 - 80% là hàng xuất thô, giá trị gia tăng thấp và 80% không phải thương hiệu. Còn trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thương hiệu toàn cầu riêng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng cũng luôn duy trì mức 2 con số dù kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

“Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài”, bà Phan Thị Thắng nói.

Bà Phan Thị Thắng cho rằng, những khó khăn mà hàng Việt đang phải đối diện là thách thức từ những tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Trong khi, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường, cùng xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Với những thách thức này, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đáp ứng, gây khó cho doanh nghiệp. “Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn không bị loại khỏi thị trường buộc phải sớm thích ứng, thay đổi và tuân thủ luật chơi", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu Việt có sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo, tập trung nâng chất sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt bền vững để có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

hàng việt 2
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm gần đây, nhưng trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về mặt sản xuất, doanh nghiệp Việt có thể làm tốt nhưng không đảm bảo được chất lượng ổn định.

Chưa kể, nông sản khác với sản xuất công nghiệp, có thể hôm nay có sản phẩm nhưng mai không có, như vậy không thể xây dựng được thương hiệu như công nghiệp. Đặc biệt, giá cả nông sản thường không ổn định rất khó cho việc xây dựng thương hiệu.

Để giải quyết khó khăn trên, theo ông Nguyễn Như Cường Việt Nam cần tạo được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, duy trì ổn định chất lượng nông sản, thực hiện áp dụng các chương trình canh tác xanh, tuần hoàn, có chứng nhận đạt chuẩn quốc tế để đạt chuẩn đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) chia sẻ, hàng Việt muốn có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu và đi xa hơn thì cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt.

Vừa qua, ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu "dệt may xanh". Với Việt Nam, để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp.

“Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định nếu không xanh hóa thì không có tương lai. Doanh nghiệp Việt muốn phát triển bền vững phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp, đón đầu cho tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sản phẩm Việt vẫn gia công, giá trị gia tăng thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO