Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và chỉ đạo làm rõ việc 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh.
Được biết, đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội kiểm tra và xử lý vụ việc này.
Hàng loạt dự án "đắp chiếu"
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có tổng số 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai; trong đó có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha và 3 dự án đầu tư phát triển kinh tế khác.
Cụ thể, trong số 47 dự án xây dựng nhà ở có 15 dự án đã có chủ trương nhưng không triển khai đầu tư, diện tích 722ha; 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng với tổng diện tích 970,74ha; 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng, diện tích 752,49 ha.
Đáng chú ý, có một số dự án quy mô lớn được chấp thuận chủ trương từ gần 10 năm nay nhưng không triển khai đầu tư như dự án Khu đô thị mới Vinalines tại 3 xã Đại Thịnh – Thanh Lâm và Tráng Việt 114,96ha; Khu đô thị mới sông Hồng Thủ đô 44,60ha tại xã Mê Linh – Tiền Phong; Khu nhà ở Phương Viên 30,87ha tại 4 xã Tam Đồng – Đại Thịnh – Văn Khê – Thạch Đà; Khu đô thị mới An Thịnh 77,25ha; Khu đô thị mới Việt Á xã Thanh Lâm 23ha; Khu đô thị mới BMC xã Đại Thịnh 40,64ha…
Tại cuộc họp với các chủ đầu tư do UBND huyện Mê Linh tổ chức mới đây, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra hàng loạt khó khăn, đồng thời có những đề xuất, thậm chí cầu cứu chính quyền địa phương, các sở ban ngành, cơ quan chức năng giải quyết để dự án sớm được triển khai trở lại.
Khó khăn mà doanh nghiệp đưa ra chủ yếu vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính quá rườm rà, nhiều dự án đang bị yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất theo cách tính của Hà Nội chứ không chấp nhận cách tính của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.
Chính quyền: Doanh nghiệp chây ỳ!
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) đang trong "cơn sốt", với lợi thế là một huyện ngoại thành nằm sát trung tâm Thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, ngay lập tức BĐS tại Mê Linh đã tạo được sức hút với giới đầu tư.
Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền và huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng, cho dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB).
Giá đất đã theo cơn sốt leo thang 5 - 7 triệu đồng/ m2 lên đến 15 - 20 triệu đồng/m2 trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, giá đất cũng vẫn chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 bán mà vẫn không có người mua. Đến nay, trên địa bàn huyện có 47 dự án chậm triển khai, trong số đó có các dự án như: Dự án Cenco5; KĐT AIC; Minh Giang - Đầm Và; KĐT mới Hà Phong…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết huyện cũng đã và đang tìm mọi biện pháp để khởi động các dự án này. Tuy nhiên, việc liên lạc với các chủ đầu tư không phải là dễ. Huyện đã yêu cầu từng doanh nghiệp, chủ đầu tư làm báo cáo về 5 vấn đề: Quy hoạch, đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư, tiến độ dự án.
Lỗi tại... bất động sản đóng băng?
Tuy nhiên, nguyên nhân được các chủ đầu tư đưa ra là do phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 do thay đổi dự án chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội và cả khó khăn trong GPMB. Với lý do này, có những dự án chỉ còn vướng vài trăm m2 đất chưa GPMB cũng lấy cớ và không triển khai. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được cho là do thị trường BĐS tại đây đóng băng và xuống giá suốt trong một thời gian dài.
Còn các doanh nghiệp cũng đưa ra những quan điểm riêng, đại diện dự án Khu nhà ở ven sông Long Việt cho rằng, dự án cơ bản đã được đền bù nhưng chỉ còn 500m đất thuộc địa phận rìa sông do thiếu quyết định thu hồi của huyện mà sự việc diễn ra trong thời gian dài không được giải quyết.
Tương tự, đại diện Dự án Hoàng Vân nêu ý kiến: “Năm 2006, Thủ tướng phê duyệt 2.300 ha, tuy nhiên khi huyện Mê Linh sáp nhập với Thành phố Hà Nội các quyết định trên lại hoàn toàn bị thay đổi, tất cả các dự án đều phải điều chỉnh lại từ quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho dự án đến thiết kế thi công.
“Quy định thay đổi, thủ tục rườm rà diễn ra trong thời gian quá dài khiến doanh nghiệp chới với, thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Đây cũng là lý do chính làm chậm tiến độ thời gian thi công” – đại diện Hoàng Vân cho hay.
Với dự án của Công ty Trí Anh, sau khi rà soát phân khu chức năng của TP Hà Nội thì đơn vị này là một trong 5 doanh nghiệp không vướng quy hoạch phân khu nhưng lại vướng quy hoạch đường 48m và 52m.
Đại diện đơn vị này cho biết, tại quyết định thu hồi 2008 với đường 48m, nhưng đến năm 2016 và 2018, huyện đã thu hồi chênh số đất so với số liệu của quyết định ban đầu. Nhưng trong đó có đường 24m chưa được giải phóng nên mốc giới chưa được xác định, doanh nghiệp chưa thể triển khai.
Hiện huyện Mê Linh đã trình Tp.Hà Nội thu hồi 8 dự án BĐS chậm triển khai và đang yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng cũng như kế hoạch xây dựng các công trình công cộng để tạo điều kiện cho người dân về ở.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ đang hứa, thậm chí còn không đưa ra thời gian dự kiến tái khởi động dự án.