Sắp “chuyển nhà” sang HoSE, MCM có gì?

ĐÌNH ĐẠI 28/05/2024 04:00

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản chấp thuận cho cổ phiếu của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu – Mộc Châu Milk (UpCOM: MCM) niêm yết trên HoSE.

>>>Ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

HoSE đã chấp thuận cho 110 triệu cổ phiếu MCM trên sàn HoSE - Ảnh: MCM.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã chấp thuận cho 110 triệu cổ phiếu MCM trên sàn HoSE - Ảnh: MCM.

Cụ thể, HoSE đã chấp thuận cho 110 triệu cổ phiếu MCM hiện đang giao dịch trên sàn UpCOM được niêm yết trên sàn HoSE. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết (theo mệnh giá) là 1.100 tỷ đồng, tương ứng với vốn điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm chấp thuận.

Được biết, tiền thân của MCM là Nông trường Quân đội Mộc Châu được thành lập vào năm 1958, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cung cấp con giống bò sữa, sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Năm 2005, Mộc Châu Milk bắt đầu chuyển đổi mô hình quản lý từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần theo Quyết định số 3306/QĐ/BNN-TTCB ngày 28/09/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vốn điều lệ khi cổ phần hóa là 7,1 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước tại thời điểm đó) nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Ngày 19/12/2019, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã công bố thông tin sở hữu 75% vốn điều lệ của Công ty CP GTNfoods – là công ty mẹ của Mộc Châu Milk tại thời điểm này, đồng nghĩa với việc Mộc Châu Milk chính thức trở thành một đơn vị thành viên của Vinamilk. Việc gia nhập hệ thống các đơn vị thành viên của Vinamilk đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mộc Châu Milk tận dụng thế mạnh về quản trị, tài chính, công nghệ và kênh phân phối của Vinamilk để từng bước tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Kết quả kinh doanh qua các năm của MCM - Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của MCM.

Kết quả kinh doanh qua các năm của MCM - Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của MCM.

Tháng 12/2020, Mộc Châu Milk chính thức giao dịch trên sàn giao dịch UpCOM với mã chứng khoán MCM. Tính đến ngày 31/03/2024, cổ đông lớn nhất của MCM là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam sở hữu 59,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp; Cổ đông lớn thứ hai là Vinamilk sở hữu 8,85% vốn điều lệ của MCM.

Đối với mảng sữa, MCM hiện đang nắm giữ khoảng 2,7% thị phần sữa của cả nước. Riêng tại thị trường miền Bắc, ước tính MCM chiếm khoảng 18% thị phần, với các dòng sản phẩm sữa tươi và sữa chua tiệt trùng mang thương hiệu Mộc Châu.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý đầu năm 2024, MCM mang về hơn 625 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng, giảm gần 51% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân doanh thu bán hàng giảm so với cùng kỳ năm 2023 là do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế quý I/2024 còn khó khăn, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng giảm. Ngoài ra, thu nhập tài chính trong kỳ giảm do lãi suất tiền gửi giảm.

Trong năm 2024, MCM đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt hơn 3.367 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 331,7 tỷ đồng, giảm 11,4% so với thực hiện được năm 2023.

Trên sàn UpCOM, cổ phiếu MCM đang có mức tăng trưởng ấn tượng, từ vùng giá

Trên sàn UpCOM, cổ phiếu MCM đang có mức tăng trưởng ấn tượng, từ vùng giá 36.800 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 4, lên vùng giá 43.700 đồng/cổ phiếu (ngày 27/5), tương ứng với mức tăng trưởng gần 19% chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Lãnh đạo MCM cho rằng, mặc dù tin tưởng nền kinh tế cũng như sức mua của người tiêu dùng trong năm 2024 sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đặt mục tiêu lợi nhuận giảm do phải tăng đầu tư vào hệ thống bán hàng, marketing. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng giảm do nguồn tiền gửi và lãi suất đều giảm.

Nhiệm vụ trọng tâm của MCM trong năm 2024 và những năm tiếp theo là chiếm lĩnh được thị trường sữa Việt Nam, trở thành thương hiệu số 1 trong lòng người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản trị hoạt động tài chính theo định hướng cẩn trọng, không ngừng cải thiện các chỉ tiêu tài chính, đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận.

Trong báo cáo thường niên năm 2023, lãnh đạo MCM nhận định, ngành sữa Việt Nam nói chung vẫn còn dư địa phát triển nhờ thu nhập bình quân của người Việt Nam và quy mô dân số tiếp tục gia tăng. Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm về sữa, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sau đại dịch đã tăng lên.

Bên cạnh đó, tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn các nước trong khu vực, hiện mới chỉ đạt 27 lít sữa/người/năm, trong khi con số này ở Trung Quốc là 50 lít/người/ năm, Singapore là 45 lít/người năm, Hàn Quốc là 40 lít/người/năm.

"Theo dự báo của Euromonitor, sản lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 9,3%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024 với tổng mức tiêu thụ dự kiến đạt 3,05 triệu tấn sản phẩm vào năm 2024. Trong đó, ngành hàng sữa chua được kỳ vọng có mức tăng trưởng cao nhất với 12%/năm. Những yếu tố trên tạo dư địa tăng trưởng cho MCM", lãnh đạo MCM nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành sữa hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững

    Ngành sữa hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững

    15:08, 03/05/2024

  • Ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

    Ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

    03:50, 14/02/2024

  • Môi trường làm việc xuất sắc tại doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa Việt

    Môi trường làm việc xuất sắc tại doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa Việt

    21:56, 06/02/2024

  • Ông lớn ngành sữa thử nghiệm cách thức quảng cáo mới

    Ông lớn ngành sữa thử nghiệm cách thức quảng cáo mới

    13:24, 05/12/2023

  • Vinamilk - Doanh nghiệp duy nhất trong ngành sữa nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam

    Vinamilk - Doanh nghiệp duy nhất trong ngành sữa nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam

    22:05, 09/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sắp “chuyển nhà” sang HoSE, MCM có gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO