Sắp có nhà máy lắp ráp ô tô 3.330 tỷ đồng tại Huế

Linh Nga 24/01/2019 12:00

Sau khi hoạt động có hiệu quả, kỳ vọng nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để cùng Tổ hợp ô tô Trường Hải-Chu Lai phát triển thành Trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 160 ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3.330 tỷ đồng. Mục tiêu là lắp ráp các loại xe ô tô khách (bus) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 16.000 xe các loại một năm, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30 - 45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi.

Việc đầu tư xây dựng Dự án là phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Dự kiến, Dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (bên phải) trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tiên tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (bên phải) trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tiên tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc nhấn mạnh, Dự án không chỉ có có quy mô lớn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp, khai thác lợi thế logistics và cảng biển của tỉnh; hy vọng rằng, Dự án sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, tạo ra sức lan tỏa để thu hút lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn sau khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả, nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm nhiều chủng loại phương tiện vận tải và xe chuyên dùng để cùng với Tổ hợp ô tô Trường Hải - Chu Lai phát triển thành Trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào thời điểm khi mà thị trường đang bước vào giai đoạn cao điểm bán hàng sau nhiều tháng bấp bênh, sự ra mắt rầm rộ của thương hiệu ô tô du lịch Việt Nam đầu tiên mang tên VinFast trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của xã hội. Vận mệnh của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đang được tiếp sức để tiến đến mục tiêu như kỳ vọng mà nhiều năm qua chưa đạt được.

Năm 2018 là năm đánh dấu nhiều sự kiện của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Trong bối cảnh nguy cơ thị trường trong nước tràn ngập xe nhập khẩu của khu vực, bởi thuế suất nhập khẩu chỉ bằng 0% thì sự xuất hiện của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP được ban hành vào ngày 17/10/2017 được xem như là một cú hích giờ chót đem về nhiều lợi thế cho dòng xe sản xuất, lắp ráp nội địa, khi có nhiều rào cản mới đối với xe nhập khẩu.

Tiếp theo đó, Quyết định 589/QĐ-TTg được ban hành với nội dung phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025 bao gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, điểm sáng tích cực trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2018 chính là việc xe lắp ráp có doanh số áp đảo chiếm đa số lượng tiêu thụ trên thị trường trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh. Trong danh sách 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2018 đã có tới 9 mẫu xe lắp ráp trong nước. Lợi thế của xe lắp ráp được bắt nguồn từ bất lợi của xe nhập khẩu khi vướng phải Nghị định 116.

Tất cả đang tạo nên những cơ hội tiềm năng cho thị xe lắp ráp tại Việt Nam. Sự ra mắt thành công bước đầu của thương hiệu ô tô VinFast cùng với sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước như THACO hay Hyundai Thành Công và sự gia nhập của doanh nghiệp lớn trong nước sẽ là những tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sắp có nhà máy lắp ráp ô tô 3.330 tỷ đồng tại Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO