Việc hợp nhất hàng loạt Sở, ngành nghe thì hay và hấp dẫn nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì sẽ có nhiều vướng mắc khó giải quyết trong một sớm một chiều.
Mới đây, Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo tờ trình nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành trong đó đề xuất hợp nhất nhiều Sở, ngành, giúp cả nước giảm từ 46 đến 88 Sở, ngành.
Đề xuất của Bộ Nội vụ đã tính toán đến chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành để đưa ra làm căn cứ sáp nhập, qua đó khẳng định được tính hợp lý của đề xuất. Nhưng rõ ràng, việc hợp nhất hàng loạt Sở, ngành nghe thì hay và hấp dẫn với công cuộc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Có điều, khi bắt tay vào thực hiện thì quả thực vẫn còn những vướng mắc không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Có thể bạn quan tâm |
Thật ra, không phải đến bây giờ mà đã từ 7 năm trước (năm 2011), việc tinh giản, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực đã là chủ trương của Đảng ta. Đặc biệt là trong hai năm từ năm 2015 đến 2017 là hai năm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39. Tuy nhiên, kết quả tổng kết lại không chút khả quan?
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết trung ương 6, khóa XII do Ban Bí thư tổ chức cuối năm trước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ ra mâu thuẫn là: Sau 2 năm thực hiện tinh giản biên chế, biên chế tăng thêm 96.000 người thay vì sẽ phải giảm 140.000 biên chế!
Để biết bộ máy vẫn cồng kềnh, phình to như thế nào thì có lẽ ví dụ điển hình nhất là ở Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở Vụ này vừa được phát hiện có đến 2 hàm Vụ trưởng, 6 Phó Vụ trưởng, rồi cả hàm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng.
Hay ở cấp địa phương, trong cuộc họp ngày 17/04 vừa qua, Bí thư thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã thẳng thắn đặt vấn đề, huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ là hai địa phương có tình trạng quá nhiều người nhà của lãnh đạo trong hệ thống công quyền. Ở trong trường hợp này, nếu chúng ta thực hiện sáp nhập các Sở, ngành, phòng ban ở Đà Nẵng thì rõ ràng quá trình tinh giản biên chế chắc chắn sẽ gặp “vấn đề”. Đương nhiên những người nhà, con em họ sẽ bảo vệ nhau đến cùng rồi. Thử hỏi khi ấy, người bị cắt giảm phải chăng sẽ là những người không phải “con ông cháu cha”? Chính người tài sẽ từ đây mà bị mất đi chứ đâu.
Công bằng mà nói rằng, vấn đề tinh giản biên chế là đụng chạm trực tiếp đến con người, liên quan đến chuyện đi hay ở, lên hay xuống nên nó khó, phức tạp và nhạy cảm. Vì thế cho nên, mục tiêu tinh giản 2,5% biên chế mỗi năm mà Thủ tướng Chính phủ đề ra sẽ không thể hoàn thành được nếu như không kiên quyết thực hiện trên tinh thần không nể nang, không vùng cấm
Nhân dân ghi nhận chủ trương, nỗ lực của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân. Muốn vậy, một trong những yếu tố đầu tiên là cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ, tạo điều kiện cho điều hành thông suốt trên cơ sở phân công, phân cấp và trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Quan trọng hơn, dưới Chính phủ là bộ máy chính quyền địa phương – nơi trực tiếp gắn với lợi ích của người dân. Càng nhiều tầng, nhiều nấc thì người dân càng khổ. Cho nên giảm bớt đầu mối là đúng đắn, cần thiết.
Tuy nhiên, việc sáp nhập Sở ngành, không thể chỉ là sáp nhập mang tính cơ học. Không thể để xảy ra tình trạng như trước đây, các cơ quan hành chính sáp nhập với nhau những vẫn chia nhỏ thành các phòng, ban như cũ, mỗi phòng ban đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ như cũ, thế rồi sau đó lại tách ra… như cũ.
Theo đó, sáp nhập Sở, ngành thì biên chế có giảm không, hay chỉ sáp nhập cơ học vào rồi lực lượng vẫn giữ nguyên? Nếu giảm biên chế thì ai sẽ là người bị cắt giảm? Những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại khó có câu trả lời!
Đó là một quá trình dài, nhưng không còn thời gian để chúng ta “dạo chơi”, thử nghiệm với những sáng kiến, tư tưởng mới lạ mà không chất lượng!