Sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ: Khó nhất là khâu đánh giá “chất lượng” con người

Nguyễn Việt thực hiện 10/11/2019 05:04

Sắp xếp nhân sự khó nhất là khâu đánh giá cán bộ. Đây lại là điểm yếu nhất của chúng ta hiện nay.

Đánh giá cán bộ thường do cảm tính, việc bỏ phiếu, lấy phiếu... khá  dễ “mua” nên rất hay xảy ra tiêu cực. 

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) thẳng thắn bày tỏ quan điểm bên hành lang Quốc hội sau phiên chất vấn Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân với nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức...

- Nhiều địa phương lo ngại khi sáp nhập huyện, xã khó nhất là sắp xếp nhân sự, nếu làm không khéo dễ gây tâm tư, còn nếu nể nang thì dễ cộng cơ học, không đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như Bộ Chính trị yêu cầu, thưa ông?

Việc sắp xếp nhân sự khó nhất là khâu đánh giá cán bộ. Đánh giá đúng năng lực cán bộ thì có thể sắp xếp từ trên xuống dưới, ai giỏi hơn, tiêu chuẩn đủ hơn thì sắp xếp lên trên, ai kém hơn thì ở dưới. Cũng nhân dịp này, nếu thấy ai không đủ tiêu chuẩn thì loại luôn. Quan trọng nhất là phải đánh giá được đúng năng lực cán bộ, mà đây lại là khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay. Đánh giá cán bộ thường do cảm tính, việc bỏ phiếu, lấy phiếu… khá dễ “mua” nên rất hay xảy ra tiêu cực.

Do đó, chúng ta phải đánh giá cán bộ làm sao thật chính xác thì mới sắp xếp được đúng người. Trước đây, thời phong kiến nếu người nào đỗ đạt cao thì làm trưởng, người nào thấp hơn thì làm phó. Cách đánh giá như vậy rất khách quan, còn hiện nay có quá nhiều tiêu chí. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, phải đưa ra được tiêu chí rõ ràng.

p/Đánh giá đúng năng lực cán bộ thật thì mới sắp xếp được đúng người. Các thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính tại kỳ tuyển dụng công chức cấp xã năm 2019. Ảnh: Hữu Tiệp

Đánh giá đúng năng lực cán bộ thật thì mới sắp xếp được đúng người. Các thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính tại kỳ tuyển dụng công chức cấp xã năm 2019. Ảnh: Hữu Tiệp

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội chất vấn: Đuổi việc công chức nhũng nhiễu sao khó quá?

    16:01, 07/11/2019

  • Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong thi xét nâng ngạch công chức?

    12:12, 07/11/2019

  • Thủ tướng: Sẽ bỏ chế độ "biên chế suốt đời" với cán bộ, công chức

    19:05, 26/06/2019

  • Đánh giá cán bộ, công - viên chức: Những con số mang tính… hình thức

    05:10, 27/05/2019

  • Cách nào đánh giá cán bộ chiến lược?

    11:01, 08/05/2018

  • Khắc phục hiện tượng “nể nang” trong đánh giá cán bộ, công chức

    21:49, 28/12/2016

Thứ nhất, là khả năng hoàn thành nhiệm vụ, có kết quả thực chứng cụ thể, xem người giữ vị trí ở cương vị cũ hiệu quả làm việc như thế nào?

Thứ hai, là phải thi tuyển, thi chức danh với những bộ đề thật sự đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, thi môn lý luận thì phải hiểu đây không phải là lý luận suông mà phải được vận dụng vào thực tiễn, giải đáp lý luận đó trong thực tiễn như thế nào?

Thứ ba, thi kiến thức hiểu biết về kinh tế xã hội trong nước, địa phương, rộng hơn là khu vực và thế giới.

Thứ tư, là phải trực tiếp sát hạch năng lực cán bộ thông qua đề bài về khả năng đảm nhiệm chức vụ, đặt người dự thi vào vị trí trưởng hoặc phó thì sẽ làm gì khi được phân công công việc đó. Trên cơ sở đó sẽ có hội đồng đánh giá cán bộ, dự kiến bố trí vào cương vị nào.

- Thêm một lo lắng nữa, khi sáp nhập huyện, xã thì việc sắp xếp các chức danh bầu cử như 2, 3 Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thì ai sẽ làm trưởng, còn ai làm phó. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Số “ghế” không tăng thêm nhưng số người sắp xếp lại thì đông hơn, như vậy chúng ta có thể lấy kết quả từ các nguồn tin như đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí cũ đã làm được những gì.

Bên cạnh đó dựa vào kết quả thi tuyển. Từ đó hội đồng có thể bỏ phiếu đánh giá, phân loại, ai có kết quả cao thì làm trưởng, ai thấp hơn thì làm phó. Còn ai không làm được việc thì nhân dịp này cho thôi chức để trở về với sở trường của mình.

- Tinh thần sáp nhập phải đảm bảo bộ máy tinh gọn, vậy bộ máy sau sáp nhập có đủ sức đảm đương nhiệm vụ với công việc quản lý gần như gấp đôi?

Sắp xếp bộ máy là việc làm khoa học về tổ chức, đòi hỏi phải có tư duy từ hệ thống đến cấu trúc. Hệ thống là bộ máy phải xuyên suốt từ trên xuống dưới theo trục dọc, và cấu trúc đó làm sao không “va chạm” với cấu trúc ngang, đảm bảo chức năng của các cơ quan ngang cấp không chồng lấn lên nhau, có vùng giao thoa phối hợp để dễ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Nếu thiết kế theo nguyên lý này sẽ tinh giản được chức năng, nhiệm vụ bị chồng lấn của rất nhiều cơ quan cùng cấp.

- Ông đánh giá thế nào khi tổ chức thi tuyển chức danh?

Thi tuyển chức danh không chỉ là mong mỏi của người dân, mà ngay trong nghị quyết Trung ương 7 cũng đã đề cập đến vấn đề này. Đó là phải tiến tới thi tuyển chức danh điều hành bộ máy hành chính, phải có chương trình hành động đối với chức danh. Chức danh trưởng hay phó là chức danh hành chính cho nên phải tổ chức thi tuyển.

Chỉ có qua hình thức thi tuyển với cách thức khoa học, công khai thì mới sàng lọc được cán bộ có năng lực để bố trí công việc phù hợp. Nhân việc sắp xếp bộ máy hành chính, chúng ta cũng đánh giá lại cán bộ để sắp xếp, bố trí cán bộ làm sao cho hợp lý, có đủ năng lực để gánh vác trọng trách, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chính quyền hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ: Khó nhất là khâu đánh giá “chất lượng” con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO