Theo nghiên cứu của Mỹ, trầm cảm là bệnh lý tâm thần thường gặp, với tỷ lệ mắc cả đời khoảng 15%; tỷ lệ mắc trong dân số khoảng 3-5%.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần được quan tâm đặc biệt, nó là nguyên nhân của từ 50-75% các trường hợp tự sát trên thế giới và 15% bệnh nhân trầm cảm chết vì tự sát.
Khó khăn càng lớn, áp lực càng nhiều
Trầm cảm khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào và hay gặp nhất là lứa tuổi từ 25 – 40 tuổi với khoảng 50% bệnh trầm cảm khởi phát trong khoảng từ 20-50 tuổi.
Theo số liệu thống kê và thực hành trên thực tế, tôi nhận thấy những đối tượng thường xuyên gặp áp lực căng thẳng trong công việc và cuộc sống sẽ có khả năng bị trầm cảm cao và nhóm đối tượng này có tỉ lệ cao là doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng.
Tôi đã từng điều trị trầm cảm cho nhiều bạn trẻ, nhiều doanh nhân, chủ doanh nghiệp lớn và cả những người nổi tiếng. Đặc biệt, tôi nhận thấy trong 2 năm trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra muôn vàn khó khăn cho mọi đối tượng trong đó có các doanh nghiệp cụ thể như ngành dịch vụ, vận tải và một số ngành sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Đây chính là một trong những áp lực lớn tác động từ công việc, từ môi trường khiến các chủ doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt và là một trong những tác động dẫn đến nguy cơ mắc trầm cảm.
Doanh nhân nói riêng và những đối tượng có áp lực công việc càng lớn, càng tham vọng thành công thì tỉ lệ mắc trầm cảm càng cao.
Giải pháp cải thiện tâm lý
Trước hết, tôi khẳng định trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần liên quan đến vấn đề cảm xúc và trầm cảm đặc biệt lưu ý ở mức độ người bệnh có ý định tự sát. Theo nghiên cứu trên thế giới công bố, 70 – 75% các ca tự sát liên quan đến trầm cảm. Do đó, trầm cảm là một căn bệnh đáng lo ngại và được cảnh báo với mọi đối tượng, không chỉ riêng tầng lớp doanh nhân tri thức.
Đối với người có dấu hiệu trầm cảm ở mức độ nhẹ, chưa có hành vi vượt giới hạn (không kiềm chế được bản thân, hành hạ thể xác,…) ảnh hưởng đến bản thân và công việc, người bệnh có thể tự điều chỉnh cuộc sống, nên buông bỏ sự cố chấp là một cách cân bằng đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như thiền, yoga,… cũng rất có lợi cho việc giải tỏa căng thẳng cho người bệnh.
Đối với người có dấu hiệu trầm cảm nặng hơn (bắt đầu có biểu hiện hành hạ bản thân, nghĩ đến tự sát,…), người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên ngành để điều trị bằng thuốc kết hợp với các biện pháp tâm lý với thời gian điều trị từ 9 tháng – 1 năm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, không chỉ riêng đối với doanh nhân hay những người nổi tiếng, rất nhiều bệnh nhân có tâm lý ‘sợ’ bị phát hiện và ‘ngại’ bị coi là người bệnh có vấn đề về tâm thần. Đây là một cách nhìn nhận sai lầm từ xã hội khi cho rằng những người bị trầm cảm hay có dấu hiệu về tâm lý đều được ‘gán mác’ bệnh nhân tâm thần. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 300 mã bệnh về tâm thần, trong đó có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, lo lắng quá mức,…được coi là rối loạn tâm thần. Do đó, những người có tầm ảnh hưởng, có địa vị trong xã hội sẽ càng né tránh việc điều trị tại các bệnh viện tâm thần.
Do đó, ngoài việc tự cân bằng, giải tỏa căng thẳng bằng các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, người bệnh nếu không có khả năng tự chữa trị có thể lựa chọn tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu, phòng khám tâm lý riêng. Đặc biệt, ở mức độ bệnh trầm cảm nặng hơn, người bệnh nếu không được điều trị sẽ mất dần khả năng tập trung, khó hoàn thành công việc và kéo theo nhiều hệ lụy gây nguy hiểm cho bản thân.
Tôi cũng cảnh báo tới người bệnh có tâm lý né tránh điều trị, nếu đã có ý nghĩ hoặc có hành vi tự sát, bệnh nhân bắt buộc cần được điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để có phác đồ điều trị phù hợp.
Xã hội càng phát triển, con người càng đối diện với nhiều áp lực, sự kỳ vọng càng cao thì càng khiến bản thân khó chấp nhận thất bại. Ai cũng có ước mơ, hoài bão được trở thành một doanh nhân thành đạt, một người thành công, có địa vị cao trong xã hội. Sự chấp niệm càng lớn, nguy cơ suy giảm đời sống tinh thần hạnh phúc càng tăng. Mọi yếu tố tâm lý tác động tiêu cực đến cảm xúc con người đều là yếu tố ‘đẩy’ chúng ta rơi vào trầm cảm. Đặc biệt, cùng với sự tác động từ dịch bệnh, khó khăn càng lớn áp lực càng nhiều, số lượng người mắc bệnh trầm cảm cũng vì vậy mà càng gia tăng.
Quá nhiều nỗi lo vây quanh nhưng chúng ta hãy biết chấp nhận thất bại, trân trọng cuộc sống và biết yêu thương chính bản thân mình để luôn có một đời sống tinh thần cân bằng, phòng tránh được nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, trong đó có bệnh trầm cảm.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý stress thời Covid-19
02:30, 04/07/2021
Stress có thể gây gia tăng xơ vữa động mạch
02:13, 21/10/2020
TS Mỹ tiết lộ tư thế cúi gập người: Giảm stress, rất tốt cho gan, thận, làm khỏe cơ bắp
02:41, 18/10/2020
4 trải nghiệm xa xỉ để "xả stress" dành cho giới thượng lưu
02:35, 14/09/2020
Siêu thực phẩm hỗ trợ đắc lực cho cách chữa bệnh trầm cảm
01:21, 24/07/2021
Trầm cảm - Nỗi lo mới trong thời kỳ dịch bệnh
06:35, 20/07/2021
Tại sao người thường xuyên tập thể dục có ít nguy cơ trầm cảm, sống hạnh phúc hơn?
01:04, 01/02/2021
Vì sao cứ 3 doanh nhân lại có 1 người trầm cảm?
02:08, 17/08/2020