Sau ngày 31/3, các nhà mạng bắt đầu khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
>>Trường hợp nào cần chuẩn hóa thông tin thuê bao VinaPhone?
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động.
Theo quy định, sau khi khóa liên lạc một chiều, 15 ngày sau, nhà mạng sẽ thực hiện khóa 2 chiều với các thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa. Một tháng sau khi khóa hai chiều, nhà mạng sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng, thu hồi số với các thuê bao vẫn chưa chuẩn hóa.
Trong khoảng thời gian này, chủ các thuê bao cần thực hiện chuẩn hóa qua các kênh như sử dụng ứng dụng di động, thực hiện trên trang web hay đến các điểm giao dịch của các nhà mạng. Những trường hợp gặp khó khăn trong đi lại có thể liên hệ với nhà mạng để được hỗ trợ tại nhà.
“Sau ngày 31/3 Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các mạng phải thông báo tới khách hàng và xây dựng nhiều kênh hỗ trợ chuẩn hoá thông tin (trực tuyến qua ứng dụng, trang web, đến trực tiếp cửa hàng hoặc nhân viên nhà mạng tới gặp khách hàng).
Các nhà mạng phải rà soát phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hoá để truyền thông, bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, đồng thời tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin đúng.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội.
Từ đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…
>>Chế tài nào quản lý “sim rác” xâm nhập thông tin cá nhân?
Hiện nay xuất hiện tình huống nhiều thuê bao chưa chính chủ nhưng không nhận được thông báo của nhà mạng về việc chuẩn hóa thông tin. Giải thích cho tình huống này, đại diện các nhà mạng cho biết, lần thực hiện chuẩn hóa này tập trung vào các thuê bao có thông tin đăng ký chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với các thuê bao có thông tin đăng ký trùng khớp nhưng chưa chính chủ (thông tin đăng ký đứng tên người khác) sẽ không bị khóa liên lạc trong dịp này.
Dù vậy, nhà mạng đề nghị thuê bao chưa chính chủ nhanh chóng đăng ký thông tin thuê bao để tránh những rủi ro về pháp lý như tranh chấp thuê bao. Đặc biệt, thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công của khách hàng, nhất là dịch vụ cần được xác thực, thông báo qua số điện thoại cá nhân.
Để kiểm tra xem thuê bao của mình đã chính chủ hay chưa, khách hàng nhắn tin TTTB gửi 1414, nếu phát hiện sai lệch thông tin hoặc chưa chính chủ thì cần đến điểm giao dịch của nhà mạng để đăng ký thông tin thuê bao.
Ngoài ra, các nhà mạng cũng lưu ý, thuê bao chỉ thực hiện chuẩn hóa khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các nhà mạng nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin để lừa đảo.
Cụ thể, với Viettel, khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin khi nhận được tin nhắn có định danh VIETTEL hoặc cuộc gọi từ số 02462660198 (tên hiển thị VIETTELCSKH) và 02466888098 (tên hiển thị VIETTELCARE).
Với VinaPhone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh VinaPhone, cuộc gọi từ số 0888001091, 0911001091 hoặc cuộc gọi hiển thị VinaPhone.
Với MobiFone, tin nhắn chuẩn hóa thuê bao có định danh MobiFone hoặc cuộc gọi từ số 9090.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 04/10/2019