Các địa phương vùng núi phía Bắc đang ngổn ngang với công tác khắc phục và tìm kiếm người mất tích trong trận lũ trước nguy cơ lũ chồng lũ vẫn đang cận kề.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp hoạt động mạnh dần lên trên khu vực phía Bắc các tỉnh Bắc Bộ, thời gian vừa qua ở Bắc Bộ có mưa rào và giông diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to và giông (thời gian có mưa to đến rất to tập trung vào đêm và sáng sớm).
Cảnh báo lũ vẫn chưa dứt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/7, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao và sông Lô xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng ở mức báo động 1.
Trung tâm cũng cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn. Đồng thời, cần chú ý theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: Cấp 1. Riêng ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái: cấp 2.
Lỗi không chỉ của thiên tai
Mưa lũ xảy ra tại các tỉnh Tây Bắc đã gây ra những hậu quả nặng nề. Riêng tại tỉnh Lai Châu, mưa lũ đã làm 25 người chết và mất tích, 8 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà và diện tích hoa màu, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị vùi lấp, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, khiến nhiều vùng dân cư bị cô lập.
Hậu quả của mưa lũ không chỉ gây ra những thảm cảnh trước mắt, mà nó để lại hậu quả rất nặng nề trong một thời gian dài. Đời sống của hàng chục vạn đồng bào vốn rất khó khăn sẽ càng chật vật trong nhiều năm sau. Những ngày qua, nhiều hình ảnh, thông tin về các trận lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nặng nề, đau thương tang tóc bao trùm 1 số tỉnh miền núi Tây Bắc đang ngập tràn trên các phương tiện truyền thông.
Thống kê riêng tại Lai Châu, chỉ trong 3 ngày, mưa lũ đã gây thiệt hại lên tới 270 tỷ đồng. Mỗi khi những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng như thế xuất hiện, người ta lại càng thấm thía: Phải chi Tây Bắc còn rừng!
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên người dân cả nước phải chứng kiến đồng bào oằn mình chống chọi với cơn giận dữ của thiên nhiên. Có những năm, nước lũ dâng cao hàng chục mét, "nuốt" hết nhà cửa, trâu bò, bờ xôi ruộng mật với hàng triệu bữa ăn của đồng bào vào trong bụng nước.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi "tàn sát" thiên nhiên. Khi không còn vòng tay che chở của đại ngàn, trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên, phận người sẽ còn phải hứng chịu thêm rất nhiều nỗi đau và mất mát.