Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng đường và có tầm nhìn mở rộng như Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà (HOSE:SBT).
>>>Giá cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu mía đường “nổi sóng” đáng kể, đưa vốn hóa của nhiều doanh nghiệp cán mốc cao.
SBT- doanh nghiệp nắm giữ 50% thị phần ngành đường, đang được chú ý đặc biệt. Trải qua 50 năm hoạt động, SBT đã giữ ngôi vương thị phần ngành đường cũng như quy mô, với mạng lưới rộng khắp. Đây có thể nói là một “đế chế” vừa tạo mật ngọt cho các doanh nhân có cơ nghiệp khởi đầu gắn với mía đường; vừa là một ví dụ sinh động bậc nhất về sự mở rộng thông qua nghệ thuật M&A bền bỉ nhiều năm.
Ở vị thế của mình, ngay khi thông tin chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023, để đảm bảo nhu cầu nội địa của Ấn Độ và hóa giải lo ngại sản lượng yếu (El Nino gây thiếu mưa), SBT đã lập tức thu hút được nhà đầu tư.
Tính từ 23/8 đến 28/8, cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng, trong đó phiên 24/8 tăng mạnh gần hết biên đô (6,83%), giá trị khớp lệnh cao từ 50-59 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn trong nhóm ngành, SBT không phải là cổ phiếu có mức tăng mạnh, nếu so với SLS khi cổ phiếu này đã tăng liên tục từ 160.000đ/cp lên và ngự đỉnh 212.000 đồng/cp hiện tại, gấp hơn chục lần so với thị giá của SBT trong khi quy mô vốn hóa SBT cao gấp 6 lần.
Dù không có “đường chạy” thị giá đẹp như SLS hay QNS trong cùng ngành, nhưng không doanh nghiệp họ mía đường nào có thể so đọ với SBT.
Hiện nay, SBT đang sở hữu 10 nhà máy, trong đó có 1 nhà máy ở Lào và 1 nhà máy ở Campuchia, với tổng công suất sản xuất 4.690 tấn Đường/ngày. Tổng diện tích sở hữu đất nông nghiệp của SBT cũng thuộc Top với 68.000ha ở 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia, cung cấp hơn 1.000.000 tấn đường thành phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
76 tỷ đồng là lãi ròng quý 4 niên độ 2022-2023 của SBT, giảm 66% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, công ty mẹ của SBT khẳng định doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu sang hơn 29 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, các hòn đảo Thái Bình Dương; đồng thời xây tham vọng lớn lao là dẫn dắt, kiến tạo xu hướng phát triển bền vững.
Theo kết quả đánh giá của Saigon Ratings, xếp hạng tín nhiệm đối với SBT mới đây đạt mức "vnA+", triển vọng "Ổn định". Xếp hạng tín nhiệm này được cho đã phản ánh vị thế dẫn đầu của công ty trong ngành mía đường Việt Nam cả về thị phần, doanh thu, lợi nhuận và năng lực sản xuất.
Đồng thời, triển vọng ở mức "Ổn định" của SBT thể hiện khả năng duy trì tăng trưởng doanh thu và EBITDA cao trong 3 năm tới. Biên lợi nhuận ổn định và có chiều hướng tăng do tăng trưởng của các phụ phẩm sau đường và cạnh đường. Các chỉ số đòn bẩy, khả năng trả lãi (ICR) và khả năng trả nợ (DSCR) được cải thiện; khả năng tiếp cận vốn vay và tái tài trợ từ các ngân hàng trong, ngoài nước của SBT được duy trì ở mức tốt.
MAS cũng đánh giá, SBT hiện có thế mạnh về mạng lưới bán lẻ B2C, thương hiệu và kênh phân phối giúp công ty mang về doanh thu trên 18 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và hướng đến mục tiêu tỷ USD trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 30/06/2023). Mức doanh thu này vượt khá xa doanh nghiệp thứ 2 trong ngành đường đang niêm yết là QNS với mức doanh thu năm 2022 là trên 8.000 tỷ đồng. Rủi ro từ đường nhập khẩu và đường lậu được kiểm soát sẽ càng giúp các doanh nghiệp đường nói chung và SBT nói riêng có cơ hội tăng trưởng khả quan hơn nữa…
Có thể bạn quan tâm