Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (HoSE: SCD) đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng tiêu thụ thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa tìm hướng đi mới.
Điều này được minh chứng rõ nét qua báo cáo tài chính quý 1/2021 của doanh nghiệp này với khoản lỗ ròng 247 triệu đồng.
Trong khi ngành nước giải khát Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao với mức bình quân tăng trưởng từ 8-12%/năm thì tổng sản lượng của SCD mới chỉ 38 triệu lít, chỉ chiếm 0,6% thị phần mảng này.
Một điều quan trọng là thị trường chủ yếu của SCD ở khu vực phía Nam. Đến nay, SCD cũng đã xây dựng thị trường tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên…, nhưng vấp phải cạnh tranh với hơn 200 cơ sở sản xuất nước giải khát trong nước. Bên cạnh đó, các hãng nước giải khát nước ngoài như Coca Cola, Pepsi hay URC… luôn đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán, khiến SCD càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, SCD còn phải vật lộn với công nghệ lạc hậu từ năm 2000, thậm chí có dây chuyền cũ không thể đáp ứng nhu cầu thị trường về các dòng sản phẩm mới. Đặc biệt, nguồn ngân sách tiếp thị và chiến lược bán hàng... cũng là điểm yếu, khiến SCD khó tăng thị phần.
247 triệu đồng là khoản lỗ ròng của SCD, trong khi lãi ròng 502 triệu đồng trong cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, việc thay đổi công nghệ sản xuất mới vẫn phải chờ phê duyệt từ công ty mẹ là Sabeco để xây dựng nhà máy mới với 60.000m2 đất tại Khu công nghiệp Tây Bắc – Củ Chi (TP.HCM). Trong khi đó, việc nhận chuyển nhượng 60.000m2 đất này chưa xong do liên quan đến pháp luật về môi trường và khai thác nước ngầm.
Trong năm 2021, Ban Lãnh đạo SCD đang hoàn tất việc di dời lên nhà máy mới tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống nhà máy và kho chứa mới này vào khoảng 80 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động sau 10 tháng khởi công (từ đầu tháng 12/2019), giúp tăng công suất của SCD đạt mức tổng sản lượng 50 triệu lít mỗi năm. Hiện nay, Ban Quản lý dự án này đang tiếp tục làm việc với Sabeco để hoàn tất việc di dời về nhà máy mới và chuẩn bị sản xuất.
Ban Lãnh đạo SCD đã trình cổ đông thông qua kế sản lượng tiêu thụ năm nay là 22 triệu lít và tổng doanh thu thuần 294 tỷ đồng, tăng lần lượt 68% và 81% so với kết quả năm 2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 kỳ vọng tăng 34% so với năm 2020, ước đạt xấp xỉ 4,6 tỷ đồng. Để tăng sản lượng sản phẩm được tiêu thụ, SCD sẽ phát triển kinh doanh ở các đô thị lớn loại II, và nếu đạt kế hoạch kinh doanh năm nay, Ban lãnh đạo công ty sẽ đề xuất chi cổ tức 5%.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả này đang là thách thức rất lớn đối với SCD, do là mạng lưới phân phối và bán hàng của Công ty suy giảm theo ngành hàng, thậm chí với tốc độ cao hơn do SCD chưa có được thế mạnh, nguồn lực và khả năng phục hồi. Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đang gây áp lực cho SCD về giá bán, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.
Thách thức nói trên cộng với nguồn lực và công nghệ hạn chế, phụ thuộc quá nhiều vào Công ty mẹ Sabeco sẽ là thách thức rất lớn đối với SCD trong thời gian tới… Nếu không kịp thời tái cơ cấu, đổi mới công nghệ để bắt nhịp cùng thị trường, sẽ khiến SCD khó trụ vững trên thị trường đồ uống có nhiều đối thủ lớn đáng gờm như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm