Đó là quy định mới trong dự thảo Thông tư 15 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến.
Quy định này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ được tình trạng xe cá nhân trá hình kinh doanh vận tải hành khách, xe limousine núp bóng xe hợp đồng thản nhiên đưa đón khách liên tỉnh theo các giờ, cung đường cố định.
Được biết, thời gian qua tại các địa phương trên cả nước xuất hiện, gia tăng đột biến những chiếc xe cá nhân được sử dụng để đưa đón khách nhưng không gắn mào taxi, không có phù hiệu kinh doanh vận tải. Hay các xe limousine núp bóng xe hợp đồng chạy đè tuyến xe cố định. Những chiếc xe này “né” được tất cả các loại thuế phí theo quy định, không phải mất tiền vào bãi đỗ… khiến những doanh nghiệp vận tải chính thống “chết dần chết mòn”.
Hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân dù kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng. Các phương tiện này không khác với xe cá nhân (không có mào, không sơn logo thương hiệu) nên khi đi vào đường cấm taxi, hoạt động trái phép tại sân bay thì lực lượng chức năng khó phát hiện.
Trước thực trạng đó, Bộ Công an đã đề xuất cấp biển số riêng cho các xe kinh doanh vận tải. Theo đó, xe kinh doanh vận tải sẽ có biển số nền màu vàng cam, chữ và số màu đỏ. Việc thay đổi này sẽ phân định rõ đối tượng kinh doanh vận tải để thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước của lực lượng chức năng, quá trình thanh tra kiểm soát, điều tiết, xử lý vi phạm giao thông cũng như thuận tiện cho khách hàng nhận biết.
Tuy nhiên, theo ông Khúc Hữu Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải Đất Cảng, quy định mới này không những không thể xóa được nạn “xe dù” hiện nay mà còn gây tốn kém. Cần có một giải pháp toàn diện hơn để loại bỏ hoàn toàn loại hình “xe dù”, xe hợp đồng trá hình chứ không phải chỉ đơn thuần là thay biển số để phân biệt.
Ông Hải cho biết, khi Thông tư này có hiệu lực, các doanh nghiệp xe taxi làm ăn chân chính sẽ phải thay toàn bộ biển số theo quy định. Tuy vậy, những xe taxi “dù” vốn họ vẫn dùng biển trắng thì họ không sợ, bởi không hề đăng ký xe taxi và vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, chỉ những hãng xe làm ăn chân chính thì bị điều chỉnh còn taxi “dù” thì không.
Có thể bạn quan tâm
15:56, 24/10/2019
11:30, 23/10/2019
12:17, 21/10/2019
"Chỉ khi nào kinh doanh vận tải không phép bị phạt thật nặng và địa phương nào có tình trạng “xe dù” địa phương đó phải chịu trách nhiệm thì mới có thể ngăn chặn được nạn “xe dù”. Chứ vẫn hoạt động theo kiểu thích thì vào bến, không thích thì thôi, xe không kinh doạnh vẫn đón khách bình thường thì không có biện pháp nào là giải quyết được tình trạng này" – ông Hải chia sẻ.
Theo ông Phạm Văn Huy – Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, với dự thảo này, khi xe kinh doanh vận tải được cấp biển số riêng với màu sắc đặc trưng, đồng thời có thông tin trên hệ thống dữ liệu, lực lượng chức năng chỉ cần nhìn vào biển số xe là có thể phân biệt được. Khi đó các doanh nghiệp, cá nhân cũng không cần phải làm thủ tục xin cấp phù hiệu kinh doanh vận tải nữa, giảm đi rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý.
Trước đó, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã kiến nghị Bộ Công an, Cục CSGT cấp màu biển số riêng cho các phương tiện kinh doanh vận tải.
Nếu được thông qua, việc cấp biển số màu mới sẽ bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 12/2020.