Đó là thông tin được Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại phiên chất vấn của Quốc hội .
Theo Bộ trưởng thì bản quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ TT&TT soạn thảo và sẽ được ban hành.
"Hiện nay thế giới của chúng ta đang có sự chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào ảo, thế giới thực có hệ thống pháp luật, có chính quyền TƯ và địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, nhưng trên không gian mạng chưa có được như vậy", Bộ trưởng cho biết.
"Giải pháp của chúng ta lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào để duy trì sự lành mạnh của không gian mạng. Giải pháp lâu dài phải đưa vào giáo dục từ phổ thông kỹ năng sống trên không gian mạng, đây sẽ là một giải pháp căn cơ nhất", Bộ trưởng Hùng đề xuất.
Vấn đề trước mắt phải thực hiện dọn rác trên không gian mạng, đầu tiên từng người tham gia mạng xã hội không xả rác, hãy dọn rác của chính mình, bản quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ TT&TT soạn thảo và sẽ được ban hành. Thứ hai, các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác, và bộ TT&TT sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Thứ ba, các bộ ngành cũng phải thực hiện dọn rác, trước hết phải định nghĩa được rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác, điều này phải áp dụng công nghệ.
Bộ TT&TT đã có Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và cơ bản đã có thể đánh giá, phân loại sau khi các Bộ ngành quyết định đây là rác, báo cho Bộ TT&TT để thông báo tới các nhà mạng gỡ bỏ kể cả đối với các mạng xã hội nước ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải tuân theo pháp luật Việt Nam vì Việt Nam là nước có chủ quyền.
"Trong 10 tháng qua, chúng ta đã mạnh tay hơn đối với các mạng xã hội nước ngoài tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước đã tăng 500%. Tóm lại chúng ta đã và đang tìm thấy một vấn đề rất lớn mà chúng ta cần chung tay. Nhà mạng có công cụ để chọn lọc, chính quyền mạnh tay hơn hoàn thiện hệ thống pháp luật để không gian mạng của chúng ta lành mạnh hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Mới đây chia sẻ tại một hội thảo về an toàn, an ninh mạng, Đại tá PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết hoạt động sử dụng mạng xã hội nước ngoài để đăng tải thông tin giả với mục đích làm nhục, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm các tổ chức cá nhân diễn ra tràn lan trên không gian mạng, xâm phạm trực tiếp quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, thậm chí nhiều vụ việc gây ra hậu quả đáng tiếc. Trong năm 2018, đã phát hiện hơn 800 trang blog, gần 6000 tài khoản mạng xã hội đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc vu cáo...
Tại Việt Nam tính đến nay, cả nước đã có 436 trang mạng xã hội, gần 1500 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, trong đó có 190 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, ngoài ra còn có khá nhiều các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google, Youtube.
Cơ quan chức năng đã ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng. Đến thời điểm hiện tại, Google ngăn chặn được hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.