Ngày 18/4, lãnh đạo hai địa phương TP HCM và Đồng Nai đã chính thức đã họp bàn về việc triển khai dự án cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo đó, họp bàn về việc triển khai cầu Cát Lái, chiều ngày 18/4/2019, đại diện TP HCM có ông Trần Vĩnh Tuyến Phó - Chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở ngành 2 địa phương. Bàn luận về tầm quan trọng của cầu Cát Lái, lãnh đạo 2 địa phương cho biết: Khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP HCM - sân bay Long Thành; chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Trước đó, ngày 1/2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 51/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý giao tỉnh Đồng Nai chủ trì và thống nhất với Bộ GTVT, UBND TP HCM thực hiện theo quy định hiện hành (xem xét quy mô, tiến độ đầu tư, hình thức đầu tư…). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 631/TTg-CN về việc bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030, trong đó đồng ý xây dựng cầu để thay thế phà Cát Lái...
Có thể bạn quan tâm
08:42, 17/03/2019
10:44, 15/02/2019
07:42, 15/11/2018
01:00, 04/08/2018
Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất phương án thực hiện, cụ thể:
Một là, phần đường dẫn phía TP HCM dài 623m, quy mô mặt cắt ngang 60m, có chi phí thực hiện 755 tỷ đồng (trong đó xây lắp khoảng 215 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP khoảng 540 tỷ đồng); kiến nghị UBND TP HCM chịu trách nhiệm triển khai bằng nguồn ngân sách của TP hoặc theo hình thức khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện 2020-2024.
Hai là, phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 263m, quy mô mặt cắt 56m, có chi phí khoảng 410 tỷ đồng (xây lắp khoảng 134 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 276 tỷ đồng) do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc hình thức khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện 2020-2024.
Ba là, phần cầu chính và cầu dẫn, chi phí đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Cũng theo đại diện tỉnh Đồng Nai, nếu việc triển khai theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT (xây dựng-chuyển giao), quỹ đất đối với phần BT sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian thực hiện 2019-2024.
Bên cạnh đó, Dự án cầu Cát Lái có điểm đầu chính là điểm cuối của nút giao thông Mỹ Thủy trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2, TPHCM) và điểm cuối kết nối với đường Lý Thái Tổ (thuộc Khu đô thị Nhơn Trạch, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đồng ý phương án đề xuất của Đồng Nai và cho biết các sở ngành của TP HCM sẽ tham mưu những hình thức đầu tư phù hợp, chặt chẽ về thủ tục, kinh phí để 2 địa phương thống nhất báo cáo trình bộ ngành trung ương và Thủ tướng xem xét quyết định, triển khai sớm dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, đồng ý phương án đề xuất của Đồng Nai và cho biết các sở ngành của TPHCM sẽ tham mưu những hình thức đầu tư phù hợp
Thời gian hơn một năm qua, trong tình trạng dự án vẫn nằm im bất động, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với TP HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động đề xuất đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP HCM.
Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, với cự ly chỉ cách trung tâm quận 1 của TP HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị "ma" trong gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu. Theo đó, tỉnh này đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến dự án cây cầu trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi dự án được xây dựng và đi vào khai thác sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP HCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh.
Có thể nói, 2 địa phương chủ động ngồi lại với nhau để bàn phương án xây cầu Cát Lái là một động thái hết sức tích cực. Tuy nhiên, thời gian khi nào chính thức triển khai, phương án kinh phí cụ thể như thế nào, nguồn kinh phí lấy từ đâu xem ra vẫn còn là câu chuyện dài.
Khi nào cầu Cát Lái hoàn thiện để người dân được đi lại thuận tiện hơn đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.