Seven.AM có lừa dối khách hàng?

BT (tổng hợp) 11/11/2019 15:16

Trong thời gian kiểm tra sáng 11/11 tại 5 cửa hàng của Seven.AM, Đội Quản lý thị trường số 14 chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm.

Hãng thời trang Seven.AM bị tố cắt mác Trung Quốc.

Hãng thời trang Seven.AM bị tố cắt mác Trung Quốc.

Vừa qua, một số cơ quan truyền thông thông tin về khách hàng của Seven.AM tố một số sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Seven.AM bị cho là cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu này.

Theo đó, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty Cổ phần MHA trước khi xuất đi hàng chục showroom thì các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu Seven.AM.

Trước phản ánh này, sáng 11/11, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.AM trên địa bàn Hà Nội gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú (Hà Đông) và 506 phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên).

Theo đó, ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường cho thấy, toàn bộ các sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng trên đều có tem của sản phẩm Seven.AM xuất xứ “Made in Vietnam,” có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA thời trang Seven.AM."

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình các giấy tờ gồm: Đăng ký nhãn hiệu Seven.AM còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy số 14518064. Trong khi đó, toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin được xuất trình sau.

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (đơn vị trực tiếp kiểm tra) cho biết, Seven.Am không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên doanh nghiệp này có hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được Seven.Am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.

Vẫn theo ông Viện, trong thời gian kiểm tra sáng nay tại 5 cửa hàng trên, Đội Quản lý thị trường số 14 chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm.

Thương hiệu thời trang Seven.AM ra mắt vào năm 2009, đến nay phát triển tới 24 cửa hàng tại 18 tỉnh thành phố lớn trên cả nước. Seven.AM là thương hiệu được sở hữu bởi Công ty cổ phần MHA mà người đứng đầu và sáng lập là diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh.

Công ty Cổ phần MHA có vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng và có 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Vũ Hải Anh nắm 60%, ông Đặng Quốc Anh nắm 30% và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%. Ông Đặng Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Seven.AM là thương hiệu thời trang khá nổi tiếng và được quảng bá là 'made in Vietnam'. Thương hiệu này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Top 20 doanh nghiệp Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng; Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 Doanh nghiệp Hội Nhập và Phát triển toàn quốc.

Liên quan đến thông tin, hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu Seven.AM nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng Giám đốc, xác nhận với báo chí rằng có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn.

'Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc', ông Hải Anh nói với báo giới.

Bình luận về giải thích này của ông Nguyễn Vũ Hải Anh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách giải thích của ông chủ Seven.AM Nguyễn Vũ Hải Anh rất khó chấp nhận.

“Đây là ngụy biện của một gian thương! Nhãn mác là những thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chứ không thể thích cắt đi, may lại là được”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, những phân trần của ông Nguyễn Vũ Hải Anh là thiếu thuyết phục và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. “Nếu ông chủ Seven.AM khẳng định không cắt mác Trung Quốc để thay bằng nhãn hiệu của mình thì phải chứng minh được những sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, trang thiết bị thế nào và có thiết kế riêng không? Nếu không chứng minh được những điều này, ông Nguyễn Vũ Hải Anh đang lừa dối khách hàng. Vụ việc cắt mác này đang có dấu hiệu rất giống với vụ Khaisilk và Asanzo”, ông Doanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Seven.AM có lừa dối khách hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO