Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng mạnh hơn qua từng năm, với sự đóng góp tiên phong của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD).
>>>Tín dụng xanh cần xanh hơn
Là một trong những TCTD có nhiều dự án với sự sáng tạo công cụ tài chính cho tín dụng xanh, bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TCMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ về định hướng phát triển tín dụng của SHB hiện nay và tương lai.
- Trước hết, bà có thể chia sẻ về mảng tín dụng xanh mà SHB đang triển khai hiện nay?
SHB hiện đã và sẽ phấn đấu duy trì vị trí top đầu trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân về tín dụng xanh.
Tính đến cuối năm 2021, SHB là một trong các ngân hàng TMCP tư nhân với dư nợ cho vay các dự án xanh lớn trong toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng luôn tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế (WB, ADB, KfW, JICA…), nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư xử lý chất thải, Đầu tư sản xuất nông nghiệp thông minh (như đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà kính, nhà kho, ...), năng lượng tái tạo; tiết kiệm năng lượng; công trình xây dựng xanh,...
Với lợi thế đó, SHB đã mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho chủ đầu tư các dự án xanh như ưu đãi thời hạn vay, ưu đãi lãi suất thấp. SHB cũng tập trung hỗ trợ khách hàng nâng cao nhận thức về hoạt động kinh tế xanh, đặc biệt là tuân thủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của các dự án xin vay vốn. Đối với các dự án tài trợ nước ngoài, Ngân hàng tham gia hỗ trợ cung cấp tư vấn an toàn kỹ thuật, đào tạo về yêu cầu và việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn E&S của nhà tài trợ.
>>> TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Bỏ ngỏ cơ hội tìm vốn xanh
- Các dự án cụ thể để thúc đẩy tín dụng mà SHB đang hợp tác cùng các đối tác thì có thuận lợi, khó khăn gì, thưa bà?
SHB là ngân hàng TMCP tư nhân duy nhất tham gia triển khai thành công Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) do WB với tổng nguồn vốn trị giá 318,05 triệu USD nhằm mục tiêu trợ giúp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp điện với chi phí thấp nhất lên lưới điện trên cơ sở bền vững về tài chính, môi trường và xã hội. Đóng vai trò là ngân hàng tham gia, SHB đã sử dụng nguồn vốn Dự án để cho vay lại tới các tiểu dự án năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW và 100% phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ: gió, mặt trời, thủy điện, sinh khối và khí sinh học. Sử dụng nguồn vốn dự án, các chủ đầu tư đã nhận được rất nhiều ưu đãi như: được hỗ trợ trực tiếp thêm 1,5%/năm lãi suất vay vốn; bồi hoàn 100% chi phí tư vấn an toàn đập (đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ); bồi hoàn 50% chi phí tư vấn môi trường xã hội sau khi dự án được phê duyệt; được tham gia vào Chương trình tài chính các bon (mua bán khí phát thải CO2); các chương trình đào tạo, xây dựng năng lực trong khuôn khổ dự án...
Tháng 12/2021, SHB đã được Chính phủ, Bộ Công thương, WB lựa chọn là Đơn vị Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro của dự án tại Việt Nam. Quỹ Chia sẻ rủi ro có trị giá 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ. Theo đó, SHB được Bộ Công Thương ủy quyền thay mặt WB, GCF thực hiện các nghiệp vụ phát bảo lãnh một phần để Ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho doanh nghiệp có dự án đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Mô hình chia sẻ rủi ro của Quỹ RSF mà SHB quản lý là mô hình rất mới trên thế giới và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp vượt trội với chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: đảm bảo an ninh năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhận được nguồn vốn tài trợ từ các NHTM để mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh nguồn tài chính công cho năng lượng còn hạn chế, quỹ chia sẻ rủi ro là một công cụ tài chính sáng tạo để huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho đầu tư nhằm tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.
- Trên thực tế, phát triển tín dụng xanh đã được SHB xây dựng như một chiến lược trong những năm qua. Tuy nhiên, việc bắt đầu của một chiến lược trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, đã được SHB thực thi với các giải pháp ra sao để đạt hiệu quả cho đến hiện nay?
Chiến lược tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của SHB. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được SHB triển khai đồng bộ theo lộ trình cụ thể như:
Nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng của SHB về tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng xanh.
Cải cách các quy định, quy trình, cơ chế để hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh. Tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh;
Xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh với những ưu đãi về hạn mức vay, kỳ hạn vay và lãi suất cho các dự án xanh...
Từng bước chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên cho những khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực xanh như doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, các dự án thủy điện nhỏ và vừa, sinh khối, xử lý nước thải, rác thải, các dự án thân thiện với môi trường.
Với những chiến lược phát triển tín dụng xanh đồng bộ như trên, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB hiện chiếm gần 10% tổng dư cho vay TCKT và có xu hướng tăng ngày càng nhanh và phát huy hiệu quả rõ rệt góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 cho tới nay, số dư tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%. Theo một thống kê gần đây, tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam mới chiếm 4-5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng gần 30%. Có thể thấy những con số về tỷ trọng tín dụng xanh và tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh của SHB là nổi bật so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng.
SHB hiện đang tài trợ vốn cho các dự án/ phương án sản xuất thuộc 11 lĩnh vực xanh, trong đó chiếm tỷ trọng lớn gồm nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, và một số lĩnh vực như tái chế, tái sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải phòng chống ô nhiễm, lâm nghiệp…
Với những đóng góp trong hoạt động tín dụng xanh, năm 2021, SHB vinh dự nhận giải thưởng “Ngân hàng trách nhiệm xã hội – Ngân hàng xanh” do Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) bình chọn.
-Vậy các giải pháp thực thi chiến lược ấy, trong định hướng phát triển của SHB giai đoạn 2022-2027, liệu có gì thay đổi?
Trong định hướng phát triển tín dụng xanh giai đoạn 2022-2027, SHB sẽ cập trung tài trợ vốn cho các dự án/ phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo-năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên… Ngoài ra, dư nợ SHB đang tài trợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 37%/ tổng dư nợ. Rất nhiều khách hàng thuộc các lĩnh vực này đang có kế hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế như chứng chỉ Vietgap, Global gap, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao… Đây chính là tập khách hàng tiềm năng để SHB tăng trưởng dư nợ nông nghiệp xanh trong tương lai.
Đồng thời tiếp tục xây dựng các sản phẩm, dịch vụ may đo phù hợp với từng lĩnh vực xanh, dự án xanh, trong đó nhiều ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án đã kiểm soát tốt các rủi ro môi trường xã hội trong sản xuất kinh doanh và thương mại như: ưu đãi về hạn mức, thời gian vay, lãi suất…
SHB cũng sẽ sửa dụng đưa tích hợp đánh giá và lựa chọn dự án đủ điều kiện được cấp tín dụng xanh vào các chương trình quản lý rủi ro và kinh doanh.
Song song, xây dựng các sổ tay để định hướng khách hàng thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có yếu tố thân thiện với môi trường như tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải khí thải, sử dụng công nghệ mới tiên tiến, sản xuất sản phẩm sạch…
Bên cạnh đó, tiếp tục tiếp cận và hợp tác với các cơ quan bộ ngành và các tổ chức quốc tế để phát triển các sản phẩm và dịch vụ tín dụng xanh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy bảo vệ môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội trong sản xuất, thương mại và dịch vụ của chủ đầu tư dự án.
Tiếp tục huy động các nguồn vốn để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm nguồn huy động từ các TCKT, cá nhân, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IFC, ADB, JICA, KfW...), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, hướng dẫn cán bộ nhân viên thực hiện môi trường làm việc xanh tại ngân hàng và ngoài xã hội. Tăng cường công bố và minh bạch các thông tin của ngân hàng về tín dụng xanh, ngân hàng xanh thông qua Website nội bộ, báo chí, báo cáo thường niên…
Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!
Có thể bạn quan tâm
Dự báo thay đổi danh mục HOSE Index kỳ 3: PNJ, BVH bị loại, bổ sung VIB và SHB
13:50, 01/07/2022
Ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB nhiệm kỳ mới
18:15, 26/04/2022
ĐHĐCĐ thường niên SHB 2022: Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 87%, chia cổ tức 18%
14:00, 21/04/2022
SHB không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán trái phiếu Tân Hoàng Minh
17:29, 05/04/2022