NHNN vừa có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD.
Tại Việt Nam, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua, trung bình khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng.
Lãi suất cho vay “cắt cổ”
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), các khiếu nại của người tiêu dùng xoay quanh việc nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng, nhưng trên thực tế, mức lãi suất trên hợp đồng là 6%/tháng. Ngoài ra, người đi vay, thậm chí người thân, bạn bè của người đi vay... thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ từ một số Cty tài chính, như trường hợp của anh P.A.Q (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị nhân viên Cty tài chính Prudential liên tục nhắn tin đòi nợ dù anh không vay...
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), các hành vi nêu trên đều được xem là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi phát hiện hoặc khi gặp phải các tình huống tương tự, người tiêu dùng cần cảnh giác, đồng thời, chủ động phản ánh tới các cơ quan nhà nước để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết.
Trong khi đó, lãi suất cho vay của các Cty tài chính cũng là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Hiện nay, các ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp hơn, nhưng thủ tục và thời gian phê duyệt khoản vay thường phức tạp và lâu hơn Cty tài chính tiêu dùng. Trong khi đó, các Cty tài chính tiêu dùng có thủ tục vay và thời gian nhanh hơn, nhưng lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng khoảng từ 10- 25%/năm, thì lãi suất cho vay của các Cty tài chính tiêu dùng dao động từ 36-70% năm. Mức lãi suất cho vay của các Cty tài chính trái với quy định của pháp luật, bởi theo Điều 476 Bộ luật Dân sự, lãi suất cho vay hàng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại hình cho vay tương ứng.
Lãi suất cho vay quá cao đã và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả các Cty tài chính tiêu dùng và khách hàng. Phần lớn các khoản cho vay tiêu dùng của các Cty tài chính tiêu dùng không có tài sản thế chấp, nếu khách hàng mất khả năng trả nợ, thì gần như Cty tài chính không có khả năng thu hồi nợ.
Có thể bạn quan tâm
15:33, 12/07/2017
08:45, 11/06/2016
Siết mặt bằng lãi suất cho vay
Để chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, NHNN đã yêu cầu các TCTD, các Cty tài chính rà soát lại quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đảm bảo cán bộ nhân viên thực hiện đúng quy trình, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá cán bộ, hạn chế rủi ro đạo đức có thể xảy ra,...
Đặc biệt, các TCTD, Cty tài chính phải chấp hành các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Riêng đối với Cty tài chính, cần ban hành khung lãi suất cho vay trong từng thời kỳ. Giới chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ buộc các TCTD, các Cty tài chính không được cho vay với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo quy định của NHNN, góp phần loại bỏ tình trạng cho vay nặng lãi của các Cty tài chính như phản ánh của người tiêu dùng trong thời gian qua.
Ngoài ra, các TCTD, Cty tài chính phải thực hiện nghiêm các quy định về đôc đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan. Quy định này nhằm ngăn chặn các hình thức thu hồi nợ mang tính chất “khủng bố” đe dọa khách hàng bằng tin nhắn, điện thoại như xảy ra vừa qua.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, quy định nói trên của NHNN là rất kịp thời, nhằm tránh tín dụng đen nhập nhèm núp bóng trong hoạt động cho vay tiêu dùng. “Để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn nữa về hành lang pháp lý. Đặc biệt cần có sự giám sát chặt chẽ thị trường này từ NHNN và các cơ quan hữu quan”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.