Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 31/2018/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về chỉ thị này của Thủ tướng, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tôi đánh giá rất cao Chỉ thị không chỉ đúng lúc mà nội dung cũng rất phù hợp. Bởi từ năm 2015 chúng ta bắt đầu chấp hành luật ngân sách mới, thế nhưng thời gian để nhập cuộc với các quy định mới của luật ngân sách, sau đó là luật đầu tư công xem ra thói quen vi phạm vẫn còn. Luật ngân sách có hiệu lực từ 2015, cứ cho để “làm quen” phải mất 1 năm, tức là bỏ cả năm 2015 để “ngấm luật”.
Nhiều nơi chưa thực thi nghiêm luật ngân sách
Nhưng thực tế vẫn có những vi phạm trong năm 2016 và ngay trong năm 2017 dường như các quy định của luật ngân sách ở nhiều nơi, nhiều cấp chấp hành không nghiêm. Không chỉ không nghiêm trong nhiệm vụ thu ngân sách mà cả không nghiêm chi ngân sách. Việc này thể hiện qua những con số mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội cũng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã chỉ ra.
Trong khi đó, bối cảnh ngân sách của chúng ta gần như vẫn chưa cân đối được, nhiều năm chúng ta khó khăn và việc cân đối về ngân sách diễn ra triền miên. Do đó, bây giờ tập trung nguồn lực để xây dựng đất nước thì phải cơ cấu lại ngân sách. Việc này Chính phủ đã nhìn thấy và đã trình Quốc hội để có những giải pháp, tuy nhiên nếu như một mặt chúng ta vẫn theo đuổi việc cơ cấu lại ngân sách mà không tiến hành tiết kiệm chi để thu hẹp chi thường xuyên để dành dư địa tăng cho chi đầu tư cơ bản, thì việc vay tăng nợ công cho đầu tư cơ bản vẫn tiếp tục tăng. Điều này dẫn đến trần nợ công Quốc hội cho phép trong đó có nợ chính phủ sẽ tăng lên.
Vậy, cơ cấu lại ngân sách phải theo hướng chúng ta thu được đồng nào thì phải cơ cấu làm sao cho hợp lý. Đó là phải giảm chi thường xuyên, tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng để chi đồng nào xứng đáng đồng đấy. Đồng thời phải làm sao để chi thường xuyên rút gọn xuống thì dư địa dành cho chi đầu tư phát triển, chi trả nợ rộng ra thì bội chi ngân sách và trần nợ công sẽ thu hẹp lại.
Và những mục tiêu chiến lược Chính phủ trình Quốc hội thông quan theo đuổi mới đạt được. Chính vì vậy tôi thấy chỉ thị của Thủ tướng ra đúng lúc và có lẽ đây là một thực trạng không muốn làm cũng không được. Tôi đánh giá rất cao chỉ thị không chỉ đúng lúc mà cả nội dung cũng rất phù hợp.
4 nội dung cấp bách
Trong Chỉ thị có 4 nội dung đều là những vấn đề cấp bách. Thứ nhất, tăng cường các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thu, trong đó tập trung các giải pháp về truy thu đối với các hành vi trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận thuế… với những trường hợp này nếu chúng ta có giải pháp tốt thì tăng thu cho ngân sách nhà nước, thất thoát trong hành thu sẽ hạn chế đi rất nhiều.
Ông Vân đưa ra ví dụ tại TP HCM, đây là một địa bàn trọng điểm của cả nước. Trong một lần vào TP này giám sát, ông Vân có trao đổi với Cục trưởng cục thuế TP HCM thì ông Cục trưởng trả lời rằng, nếu như thực hiện tốt và có đầy đủ các công cụ cũng như giải pháp hữu hiệu thì mỗi một năm TP HCM thể thu được từ các khoản thất thu thuế và trốn thuế các loại từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng. Theo ông Vân đây là một con số rất lớn, đây chỉ là 1 TP, còn các TP và địa phương khác thì sao? Đây là vấn đề cần tập trung đưa ra các giải pháp để làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ thu.
Thứ hai, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi ngân sách. Năm 2017 ông Vân đánh giá kỷ luật về chi ngân sách thực hiện khá tốt. Điều này dẫn đến hệ quả bội chi ngân sách giảm xuống dù không đáng kể nhưng là dấu hiệu rất tích cực, không vượt trần Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng vi phạm trong chấp hành ngân sách ở lĩnh vực chi ngân sách.
Đó là chuyển nguồn, có hàng chục ngàn tỷ đồng chuyển nguồn, điều này thể hiện kỷ luật không nghiêm. Lý giải thế nào thì cũng vẫn sai với luật ngân sách và không được phép. Nhưng tình trạng này cho chúng ta thấy rằng, một là dự toán không sát, dự toán “vống” lên để rồi chi không hết. Hai là xây dựng đầy đủ nhiệm vụ nhưng giải ngân không đúng hạn hoặc tổ chức thực hiện không đúng quy trình. Việc này là do năng lực bộ máy, năng lực người đứng đầu. Do đó vi phạm trong chuyển nguồn vẫn còn phổ biến.
Bên cạnh đó là hiện tượng chi sai quy định, chi không có dự toán vẫn còn diễn ra. Đây là vấn đề liên quan đến kỷ luật tài chính. Từ thực trạng đó phải siết chặt lại kỷ cương ngân sách, trong những giải pháp để bảo đảm kỷ luật chi cần phải tính ngược lại việc xây dựng dự toán và công tác dự báo. Dự báo thu không sát sẽ dẫn đến thu hụt hoặc thu vượt, nhưng dự toán chi không đúng nhu cầu và tiết giảm thì sẽ dẫn đến lãng phí, và có thực trạng “tiền thừa mà không chi được”. Nếu không chấn chỉnh kịp thời cả thu và chi sẽ dẫn đến những hệ quả đó.
Thứ ba, hành vi cố ý thực hiện sai các quy định về ngân sách trong Luật ngân sách phải được xử lý nghiêm. Nếu thực hiện tốt 2 nhiệm vụ thu và chi thì trần nợ công, nợ chính phủ mới giảm xuống và đạt được kỳ vọng đến năm 2021 trần nợ công sẽ được kéo xuống còn 61% theo mục tiêu. Đây là những mục tiêu chiến lược, mà bây giờ đã là giữa kỳ rồi, nếu Thủ tướng không ra chỉ thị để chỉnh đốn việc này thì Chính phủ sẽ bị “hụt chân” và không đáp ứng được mục tiêu mình theo đuổi, không hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Thư tư, xử lý kỷ luật. Là Ủy ban giúp Quốc hội giám sát công tác thu chi và cân đối ngân sách, bản thân ông Vân và một vài đại biểu khác trong Ủy ban đã yêu cầu nhiều lần Chính phủ khi gửi báo cáo quyết toán phải kèm theo danh sách những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân sách. Tuy nhiên, yêu cầu là như vậy nhưng Chính phủ chỉ gửi con số mà không kèm theo danh sách cụ thể. Cá nhân ông Vân đã nhiều lần yêu cầu phải đưa vào nghị quyết về ngân sách hằng năm là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Tôi quan niệm, nếu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu từ chủ tịch tỉnh cho đến bộ trưởng về kỷ luật ngân sách thì sẽ không thể dẫn đến tình trạng vi phạm nh thời gian vừa qua”, ông Vân nói.
Vẫn theo ông Vân, đặc biệt tại thời điểm này, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng vừa ban hành quy chế về noi gương của người đứng đầu, của tập thể cơ quan lãnh đạo, thì hơn lúc nào hết kỷ luật ngân sách phải được siết chặt. Và ông Vân kỳ vọng: “Với những giải pháp trong chỉ thị của Thủ tướng đã nêu ra thì kỷ luật về tài chính trong thu – chi ngân sách, xử lý các vi phạm trong ngân sách sẽ có những thay đổi, đến khi quyết toán ngân sách 2017 chúng tôi sẽ nhận được danh sách cá nhân, tập thể cụ thể chứ không chỉ có con số”.