Siêu doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng dùng thẻ căn cước giả để đăng ký doanh nghiệp?

PV 07/05/2020 19:16

Trả lời báo giới về việc sai phạm của ba cá nhân lập công ty số vốn khủng 144.000 tỷ đồng (6 tỷ USD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Cá nhân đi đăng ký kinh doanh có căn cước công dân giả.

Tại buổi họp báo sáng 7/5, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH-ĐT đã cập nhật thông tin về “siêu doanh nghiệp” 144.000 tỷ đồng tại Hà Nội được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, cá nhân đi đăng ký kinh doanh có căn cước công dân giả.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn (Ảnh: Minh Trang/MPI).

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn (Ảnh: Minh Trang/MPI).

Ông Tuấn cho hay, ngay sau khi USC Interco được đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý đã chủ động cung cấp thông tin và báo chí cũng đưa tin rất nhiều. “Điều này thể hiện việc giám sát cộng đồng là rất tốt, rất sâu sát” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, qua thực tế theo dõi, Cục Đăng ký kinh doanh đã chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh của thành phố Hà Nội kiểm tra doanh nghiệp này. Sau đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh.

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý, đăng ký kinh doanh xác định được chủ doanh nghiệp USC Interco đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký doanh nghiệp.

Ngày 14/4, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức “khai tử” doanh nghiệp này.

Cục trưởng Tuấn khẳng định: “Mọi thủ tục liên quan chúng tôi đều theo đúng quy định pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17/1 với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD hiện không còn tồn tại.

Tổng cục trưởng Thống kê cho hay, luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Tuy nhiên, đã 90 ngày từ 17/1, USC Interco chưa góp đủ vốn.

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã phân cấp cho các sở kế hoạch và đầu tư, phòng đăng ký kinh doanh địa phương. Khi thông tin về doanh nghiệp trên chuyển lên Bộ, Cục Đăng ký kinh doanh đã rà soát, trao đổi lại với Sở và phát hiện ra điểm bất cập, kịp thời chấn chỉnh.

Ông Lâm cho rằng trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma”.

Trước đó, theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, trong ngày 17/1/2020, một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực BĐS, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.

Ngay lập tức, "siêu doanh nghiệp" này đã thu hút sự chú ý của dư luận với số vốn khủng cao hơn cả vốn điều lệ của Viettel với gần 141.000 tỷ đồng. Thậm chí, giới doanh nghiệp Việt Nam còn kỳ vọng sẽ chứng kiến bóng dáng của một ông lớn mới trong ngành BĐS.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu Công ty đó là USC Interco, có địa chỉ trụ sở chính ở số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội.

Trong đó, đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, giữ chức danh Giám đốc công ty.

Theo cơ cấu cổ đông, USC Interco có 3 cổ đông là bà Kim Thị Phương nắm 30% cổ phần (tương đương 43,2 ngàn tỷ đồng), ông Nguyễn Hoàn Sơn nắm 40% cổ phần (tương đương 57,6 ngàn tỷ đồng) và 30% còn lại nằm trong tay ông Trần Gia Phong (tương đương 43,2 ngàn tỷ đồng).

Thế nhưng, khi được hỏi, bà Kim Thị Phương, đang sinh sống bằng nghề phân phối nước lọc, nước khoáng, khẳng định chưa góp đồng vốn nào vào Công ty.

Chia sẻ về 2 cổ đông còn lại, bà Phương cho biết, bà quen ông Trần Gia Phong (góp vốn 43,2 nghìn tỷ đồng) thông qua ông Nguyễn Hoàng Sơn (cổ đông thứ 3 góp vốn 57,6 nghìn tỷ) vì bà và ông Sơn cùng làm Công ty nước lọc. Ông Phong cùng quê Đan Phượng nhưng không biết làm gì.

Từ câu chuyện khôi hài trên, dư luận cũng đặt ra lỗ hổng trong cấp phép đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

  • "Siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn 144.000 tỉ đồng, có tồn tại?

    13:35, 02/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Siêu doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng dùng thẻ căn cước giả để đăng ký doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO