Siêu máy tính - "mặt trận" nóng giữa Mỹ và Trung Quốc

Cẩm Anh 04/07/2019 06:30

Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã có những cử chỉ ôn hòa tại G20, nhưng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang âm thầm diễn ra trong nhiều lĩnh vực.

Siêu máy tính Summit tại Mỹ

Siêu máy tính là lĩnh vực cạnh tranh nóng giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong những tháng gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ và Trung Quốc đẩy tốc độ tính toán của các siêu máy tính lên mức cao mới. Vào tháng 3, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Aurora, siêu máy tính exascale (thuật ngữ dành cho các siêu máy tính có thể tính một tỷ tỷ phép tính mỗi giây) đầu tiên của Mỹ sẽ được ra mắt vào năm 2021 tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne gần Chicago.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang sở hữu ba cỗ máy tốc độ tương tự đặt tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Hàng hải Quốc gia Thanh Đảo (dự kiến hoàn thành năm 2020), Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thiên Tân (2021) và Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thâm Quyến (2022).

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ - Trung khởi động đàm phán thương mại qua điện thoại

    00:23, 03/07/2019

  • Mỹ - Trung tái khởi động đối thoại, ngưng áp thuế

    13:01, 29/06/2019

  • Chờ đợi gì từ cuộc gặp Mỹ - Trung tại G20?

    17:15, 26/06/2019

  • ASEAN giữa hai "làn đạn" Mỹ - Trung

    07:00, 24/06/2019

Tuy nhiên, tương tự như câu chuyện 5G, Mỹ và Trung Quốc đang có những hành động ngăn chặn sự phát triển của nhau trong lĩnh vực này. Cụ thể, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc tại cuộc họp G20 ở Osaka, Washington đã áp đặt lệnh cấm mua công nghệ Mỹ với năm công ty Trung Quốc.

Những doanh nghiệp này bao gồm doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất siêu máy tính Sugon và Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam. Ba công ty còn lại là các công ty con hoặc liên kết của Sugon, bao gồm công ty Higon, Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô và Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô.

Động thái này được xem là một nỗ lực của Mỹ nhằm cản trở sự phát triển khả năng siêu máy tính của Trung Quốc. Đặc biệt, nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cấp hiệu suất của siêu máy tính đã tăng cao trong những năm gần đây khi máy móc đang hoạt động khó có thể theo kịp nhu cầu xử lý dữ liệu trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, đến phân tích dữ liệu, kỹ thuật ứng dụng. 

Theo các chuyên gia đánh giá, lệnh cấm này có tác động "ngáng đường" khá lớn khi cấm các doanh nghiệp Trung Quốc mua bán các thiết kế đa lõi, bo mạch và bộ xử lý được sử dụng rộng rãi trong việc tăng tốc vũ khí hạt nhân, mã hóa, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và các chương trình phòng thủ khác.

Do đó, nếu không có những thiết bị công nghệ hiện đại trên của Mỹ, các siêu máy tính của Trung Quốc sẽ có khả năng không tối ưu hóa chức năng hoặc mất một thời gian dài để các nhà sản xuất nội địa có thể cung cấp những thiết bị công nghệ tương tự như của Mỹ. Điều này sẽ đẩy Trung Quốc trở nên kém ưu thế hơn so với Mỹ.

Theo William Reinsch, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, Mỹ luôn để mắt tới các công ty công nghệ tiên tiến có thể phát triển những ứng dụng được sử dụng cho mục đích quân sự của Trung Quốc. Đó là lý do Huawei và các doanh nghiệp công nghệ khác bị liệt vào "danh sách đen".

Cũng như 5G, các siêu máy tính là phần cốt lõi của một số hệ thống quan trọng và nhạy cảm nhất của chính phủ Trung Quốc. Siêu máy tính Sugon hỗ trợ State Grid, công ty độc quyền điều hành lưới điện của Trung Quốc, China Mobile, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước và Cục Khí tượng Trung Quốc.

Đồng thời công ty này cũng là đối tác xây dựng trung tâm dữ liệu cho các công ty như gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và Bytedance, chủ sở hữu của ứng dụng truyền thông xã hội TikTok. Chính vì lí do đó, việc cấm Sugon sẽ là một "viên thuốc đắng" cho Bắc Kinh.

Mặc dù vậy giới quan sát vẫn cho rằng, Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế và cuối cùng họ sẽ vượt qua Mỹ một lần nữa vì siêu máy tính cũng là một phần của chương trình "Made in China 2025" mà Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển trong thời gian qua.

Hiện tại Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong lĩnh vực siêu máy tính và những lệnh cấm có khả năng cản trở Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng điều này cũng sẽ trở thành động lực khuyến khích Trung Quốc nỗ lực gấp đôi trong việc thay thế công nghệ Mỹ.

Thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng đạt được những bước tiến nhanh chóng trong việc tách dần sự lệ thuộc vào Mỹ và xây dựng thế đối đầu với Mỹ. Nếu đặt giả thuyết Trung Quốc có bước tiến thần kỳ trong việc sở hữu công nghệ tiến bộ tương đương với Mỹ, thế giới có khả năng sẽ rơi vào cuộc chiến nhiều tổn hại giữa hai nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Siêu máy tính - "mặt trận" nóng giữa Mỹ và Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO