“Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước như thế nào?

Diendandoanhnghiep.vn Nhiều chuyên gia khẳng định, "siêu ủy ban" sẽ chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tại một cuộc họp diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước (Tổ công tác 66) đề nghị các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Uỷ ban sớm hoạt động vào tháng 10/2018.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc thành lập "siêu ủy ban" quản lý khối lượng rất lớn tài sản của Nhà nước sẽ khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Lâu nay chúng ta thường “kêu ca” các bộ ngành vừa ban hành chính sách đồng thời làm nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp. Mục đích quan trọng tiếp theo là làm thế nào sử dụng, quản lý nguồn vốn của Nhà nước một cách hiệu quả”, ông Hồ cho biết.

Nhiều chuyên gia khẳng định, siêu ủy ban sẽ chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều chuyên gia khẳng định, "siêu ủy ban" sẽ chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Hồ nhấn mạnh cần phải tăng tính chủ động của Ủy ban bởi nếu không tạo cơ chế để Ủy ban hoạt động chủ động, chịu trách nhiệm sẽ rất khó. Chủ động thể hiện ở việc ra quyết định phù hợp hay trong xử lý vấn đề nhanh gọn.

Về lo ngại Ủy ban khó quản nổi 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn cùng lúc chuyển giao về, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, cần làm mới biết có thành công chứ ngồi bàn sẽ khó.

"Ở một số nước như Trung Quốc, Singapore đã làm rất tốt. Ở Indonesia đã lập ra một Bộ thống nhất quản lý và thay 3 lần Bộ trưởng mới điều hành hiệu quả do đó không nên ngại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các bộ cần có tư duy đổi mới, khi đã giao cho Ủy ban thực hiện thì cần hỗ trợ Ủy ban hoạt động hiệu quả", ông nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách của các Bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ các khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban có thể thực hiện. Hơn nữa, hiện nay Ủy ban với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý mà không phải đợi ý kiến các bộ ngành.

Ông Tiến khẳng định, về phía Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đồng hành cùng Ủy ban trong xây dựng cơ chế tài chính. Vừa qua Bộ Tài chính đã giúp Ủy ban xây dựng Dự thảo Quyết định Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Trước đó, trong một buổi hội thảo gần đây, khi nói về sự ra đời của "siêu uỷ ban", TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết ông nhìn thấy tâm lý chần chừ, phân vân của những người đang trong trạng thái chuyển đổi từ các Bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Dù về lý thuyết, sự chuyển giao nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi, không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các doanh nghiệp nhà nước là có”, ông Cung nói.

Giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp chuyển giao về “siêu uỷ ban” làm đại diện chủ sở hữu là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương Uỷ ban nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ông Cung khẳng định để vận hành được hệ thống quản lý, giám sát thì phải có đổi mới thật sự. Bởi nếu chỉ áp dụng quy tắc cứng nhắc như với công chức, coi cơ quan đại diện chủ sở hữu như là một cơ quan quản lý nhà nước thì có thể sẽ không đạt mục tiêu quản lý hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.

“Thẩm quyền của ủy ban này phải mạnh hơn, vừa phải có “củ cà rốt” và cả “cây gậy” mạnh thì mới thực hiện được. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng”, ông Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM chỉ ra rằng, hiện tại vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước trên bình diện quốc gia cũng như trong phạm vi quản lý của từng cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Điều này dẫn tới tình trạng cơ quan đại diện chủ sở hữu không có đủ thông tin để giám sát, cảnh báo rủi ro và điều chỉnh chính sách kịp thời. Như vậy, hậu quả có thể bắt gặp là vốn nhà nước không đựợc tận dụng, thậm chí bị bỏ qua, gây lãng phí, đặc biệt tại doanh nghiệp đa sở hữu.

Để quản lý tốt và phát triển số tài sản này, không đi vào những vết xe đổ thất thoát tiền của Nhà nước như từng diễn ra trong quá khứ, CIEM đề xuất “siêu uỷ ban” cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu.

“Ngoài ra, Uỷ ban còn cần xây dựng đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá có chuyên môn và năng lực phù hợp để có thể đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý, trước hết là các phân tích cảnh báo, ngăn ngừa các nguy cơ gây thất thoát, mất vốn nhà nước, các dự án kém hiệu quả”, ông Cung nói thêm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước như thế nào? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714036338 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714036338 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10