SLS liên tục bị “thủng đáy” vì đâu?

Ngọc Anh 08/12/2018 05:01

Từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (HNX: SLS) giảm tới hơn 65% xuống mức 54.300 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu SLS

Cổ phiếu SLS giảm tới hơn 65% xuống mức 54.300 đồng/cổ phiếu từ đầu năm 2018 đến nay

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2018-2019 (1/7-30/9/2018) của SLS, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 197 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn hàng bán chiếm 70,5% doanh thu, nên lợi nhuận gộp của SLS đạt 36 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của SLS đạt 18,2%, giảm so với mức gần 22% của kỳ trước, cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Khó khăn vẫn chưa

    Khó khăn vẫn chưa "buông tha" SLS

    04:30, 19/08/2018

  • SLS “oằn mình” trước Hiệp định ATIGA

    SLS “oằn mình” trước Hiệp định ATIGA

    06:40, 23/12/2017

Trong kỳ, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của SLS là 3,3 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 0,9% lợi nhuận gộp, cho thấy doanh nghiệp này kiểm soát khá tốt khoản mục chi phí này.

Kết thúc quý 1 niên độ 2018-2019, SLS đạt mức lợi nhuận sau thuế là 21,2 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ lợi nhuận quý 1 của SLS giảm mạnh là do sản lượng mật rỉ giảm tới 92% so với cùng kỳ năm ngoái; giá bán đường bình quân giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù lợi nhuận giảm mạnh, nhưng SLS đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế niên độ 2018- 2019. Bởi SLS chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế niên độ này hơn 20 tỷ đồng, giảm mạnh so với niên độ 2017-2018.

Tính đến cuối quý 1, tổng số nợ phải trả của SLS lên tới hơn 694 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới hơn 62% tổng nợ phải trả. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu đến thời điểm nói trên ở mức 499 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của SLS là 139%. Với mức lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ đạt tới gần 115 tỷ đồng, thì áp lực trả nợ đối với SLS không quá lớn.

Triển vọng sản xuất, kinh doanh

Sở dĩ cổ phiếu SLS giảm mạnh trong năm 2018 là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này gặp khó khăn khi giá đường giảm mạnh.

Trong niên vụ 2017-2018, ngành đường thế giới gặp rất nhiều khó khăn, và ngành đường Việt Nam cũng không ngoại lệ khi giá đường Việt Nam giảm 35% so với niên vụ 2016- 2017, xuống còn 11.250 đồng/kg. Giá đường giảm mạnh là do các áp lực từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEA (ATIGA), đường nhập lậu từ Thái Lan và đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá đường giảm đã khiến cho lợi nhuận của SLS giảm tới 20%, chỉ đạt 158 tỷ đồng trong niên độ 2017-2018.

Tuy nhiên, triển vọng sản xuất kinh doanh của SLS được dự báo sẽ khả quan hơn, bởi theo dự báo của Hiệp hội đường thế giới, giá đường sẽ phục hồi trở lại trong niên vụ 2018- 2019 do thời tiết khô hạn khiến sản lượng đường sản xuất tại Brazil và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ giảm lần lượt 12% và 4%. Bên cạnh đó, do giá đường giảm mạnh trong thời gian qua, nên một số quốc gia, như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ… đã chuyển sang sản xuất Ethanol từ mía, khiến nguồn cung đường thế giới giảm. Ngoài ra, việc hoãn thời hạn hiệu lực của Hiệp định ATIGA đến năm 2020 giúp đường trong nước chưa phải cạnh tranh với đường được nhập khẩu chính ngạch từ các quốc gia ASEAN, nhất là từ Thái Lan.

Thách thức với SLS

Từ 1/1/2020 khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, sẽ xóa bỏ toàn bộ hạn ngạch và giảm mức thuế nhập khẩu đường của Việt Nam từ các quốc gia trong khu vực ASEAN từ 30% xuống còn 5%. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối các doanh nghiệp đường nội địa nói chung và SLS nói riêng. Bởi giá bán đường của Thái Lan hiện đang thấp hơn giá bán đường của Việt Nam khoảng 8- 10%.

Bên cạnh đó, SLS bị chiếm dụng vốn khá lớn, mặc dù khoản phải thu trong quý 1 niên độ 2018- 2019 đã giảm, nhưng vẫn còn tới gần 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, khu vực trồng nguyên liệu của SLS có tới gần 90% diện tích đất là đồi núi, khó cơ giới hóa trong trồng trọt, cũng như thu hoạch, ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả sau thu hoạch.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/12, cổ phiếu SLS tăng 2,45% đóng cửa ở mức 54.300 đồng/cp. Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này vẫn đang có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, nếu vượt qua mức 57.000đ/cp, thì cổ phiếu SLS có thể lên tới mức 65.000đ/cp. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này chỉ có thể bứt phá mạnh mẽ nếu vượt mạnh qua mức 68.000đ/cp. Trong khi đó, 46.000-50.000đ/cp vẫn đang là vùng hỗ trợ quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
SLS liên tục bị “thủng đáy” vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO