Ông Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tuyên Quang cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Lâm, hệ thống giao thông vận tải được đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền trong tỉnh và giao lưu đi lại của nhân dân cả nước về với Tuyên Quang. Đã có nhiều công trình giao thông quy mô lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại được xây dựng hoàn thành như: Cầu Kim Xuyên, Ba Đạo, An Hòa, Tân Hà, Tứ Quận...
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông
Các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều được nâng cấp, cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh Tuyên Quang có hơn 6.138 km. Trong đó, 7 tuyến quốc lộ dài hơn 563 km, đã được nhựa hóa 100%; 4 tuyến đường tỉnh dài hơn 451km, đã được nhựa hóa 87,64%; đường huyện135 tuyến dài hơn 1.140 km được nhựa hóa 59,26 %; hệ thống đường giao thông nông thôn dài trên 3.678,06 km với tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đạt 47%.
Đặc biệt, thời gian qua Tuyên Quang đã hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông; Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, tỉnh đã báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Hiện, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung các nguồn lực, đảm bảo tiến độ xây dựng cầu Bình Ca, cầuTình Húc theo đúng chủ trương và kế hoạch. Chuẩn bị đầu tư và khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km187+610 - Km209+00 và cải tạo nâng cấp QL.2C đoạn từ Nông Tiến qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa tới thị trấn Na Hang; xây dựng cầu Nông Tiến mới, cầu Bến Nước, cầu Suối Cóc trên đường Hồ Chí Minh, xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn và 02 tuyến đường dọc bờ sông Lô, TP Tuyên Quang.
Vẫn còn khó khăn
Ông Nguyễn Việt Lâm cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng hiện tại hệ thống giao thông của tỉnh Tuyên Quang vẫn còn khó khăn đối với thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội và đi lại của nhân dân. Hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn quy mô còn nhỏ bé, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Đặc biệt, Tuyên Quang còn thiếu các tuyến đường có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật cao kết nối với các vùng kinh tế lớn và kết nối liên thông các tỉnh xung quanh...
Để tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, bên cạnh việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, Tuyên Quang cũng huy động các nguồn vốn, từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức đầu tư PPP để xây dựng các công trình giao thông, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại, các trục đường giao thông chính,.... Tuyên Quang cũng tiếp tục thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đồng thời nghiên cứu lồng ghép các chương trình, dự án khác để đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.