Số phận của gia đình

TS Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ 22/12/2022 01:00

“Gia đình là hạt nhân của xã hội” – câu nói ấy đã quá quen thuộc với mọi người, đến nỗi nó gần như đã trở thành lẽ tự nhiên. Nhưng điều đó có luôn luôn như thế hay không?

Hiện trạng của gia đình như thế nào? Số phận nào đang chờ nó ở phía trước?

>>Hệ giá trị gia đình Việt Nam

 TS Ngô Tự Lập Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ

TS Ngô Tự Lập Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ

Thật ra, gia đình, cũng như mọi thiết chế xã hội khác, đều chỉ là những kiến tạo văn hoá, đều mang tính lịch sử, đều thăng trầm cùng những biến đổi của xã hội - Marx và Engels đã nói rất hay về vấn đề này. Trong thời đại hiện đại, những thay đổi, đứt gãy, hay thậm chí là những đổ vỡ to lớn của xã hội cũng đang tác động dữ dội đến gia đình.

Trong quá khứ, vai trò của gia đình vô cùng to lớn. Gia đình, đó là thiết chế quy định, đồng thời là nơi diễn ra, hầu hết các hoạt động của mỗi cá nhân. Gia đình – đó là nơi người ta được sinh ra, nuôi nấng, giáo dục, nơi người ta làm việc, buôn bán, tích trữ tài sản, vui chơi, giải trí. Gia đình cũng chính là nơi cưới xin, sinh nở, chữa bệnh, nơi người ta từ giã cuộc đời và được an táng. Gia đình đóng vai trò trung tâm trong sự điều phối mọi hoạt động của các thành viên, đồng thời cũng đảm bảo sự kế tiếp giữa các thế hệ về mặt vật chất và tinh thần.

Nhưng lối sống hiện đại, với sự phân công lao động theo nguyên lý và sự đòi hỏi của nền kinh tế tư bản, đã thay đổi tất cả. Bây giờ trẻ em được sinh ra ở nhà hộ sinh, được nuôi nấng ở nhà trẻ, được giáo dục ở nhà trường, để rồi làm việc ở công ty, công sở. Tài sản bây giờ được lưu trữ ở ngân hàng, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra ở nhà hát, công viên, nhà văn hoá. Nam nữ thanh niên bây giờ tổ chức đám cưới ở khách sạn; người ốm được chăm sóc ở bệnh viện, nơi người chết được giữ trong buồng lạnh để được hoả táng ở nghĩa trang công cộng. Hầu như mọi chức năng của gia đình đã bị nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tước bỏ.

Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không chỉ tước bỏ các chức năng truyền thống của gia đình, nó còn biến các chức năng ấy thành cơ hội kinh doanh. Không chỉ công xưởng và đồn điền, mà mọi thứ liên quan đến những chức năng truyền thống của gia đình - nhà hộ sinh, nhà trẻ, trường học, nhà hát, bệnh viện, nhà tang lễ, nghĩa trang v.v… - tất cả đều trở thành doanh nghiệp vì lợi nhuận.

p/Hình ảnh những người già sống cùng người máy trong phim L'Année du robotp/(Một năm của người máy) của đạo diễn Yves Gellie phải chăng là ẩn dụ cũa xã hội con người trong tương lai?

Hình ảnh những người già sống cùng người máy trong phim L'Année du robot (Một năm của người máy) của đạo diễn Yves Gellie phải chăng là ẩn dụ cũa xã hội con người trong tương lai?

Trong bối cảnh như vậy, gia đình không thể có vai trò quan trọng nó đã từng có trong quá khứ. Sự bành trướng của lối sống hiện đại diễn ra song hành với sự tan rã của gia đình. Ở các quốc gia gọi là “phát triển” ở phương Tây, việc con cái rời gia đình sống riêng ở độ tuổi 16-18 là khá phổ biến. Ly hôn, từng là một điều tồi tệ, dần trở thành bình thường. Không những thế, xu thế sống chung không hợp thức hoá ngày càng trở nên phổ biến. Tỷ lệ những người nuôi con một mình trong xã hội, cả nữ lẫn nam, ngày một tăng lên.

Một lần nữa, nền kinh tế tư bản lại thấy đó là cơ hội kinh doanh. Có những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới được sinh ra để kinh doanh những hậu quả tồi tệ mà chính nó sinh ra. Một ví dụ là ngành bảo hiểm. Trong gia đình truyền thống tồn tại một hệ thống chăm lo vật chất tự nhiên giữa các thế hệ: cha mẹ chăm sóc con cái, khi về già sẽ được con cái phụng dưỡng. Quá trình này tiếp tục ở cháu chắt và các thế hệ sau.

Trong xã hội hiện đại, sự bảo hiểm tự nhiên như vậy được thay thế bằng ngành kinh doanh bảo hiểm. Cũng tương tự như vậy, những trại dưỡng lão được lập ra để kinh doanh sự cô đơn của người già. Nhân đây tôi muốn nhắc đến hiện tượng trẻ tự kỷ. Mặc dù có nhiều lý thuyết khác nhau về nguyên nhân của hiện tượng tự kỷ ở trẻ (như những lý thuyết về di truyền, bệnh lý của người mẹ khi mang thai hay về những tác động của môi trường), và mặc dù các lý thuyết đó không phải không ít nhiều có lý, tôi tin rằng một tác nhân quan trọng đến từ lối sống hiện đại.

Chúng ta đều biết rằng năng lực ngôn ngữ, cũng tức là năng lực tư duy, của trẻ em hình thành trong vài năm đầu tiên sau khi sinh. Nhưng sức ép kinh tế buộc cha mẹ phải đi làm khi con mới được vài tháng tuổi, để chúng lại cho những người bảo mẫu suốt ngày cắm mặt vào tivi. Thiếu tương tác ngôn ngữ trong giai đoạn tối quan trọng này, cơ hội phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của trẻ sẽ bị bỏ lỡ và hầu như không có cơ hội khôi phục.

Sự tan rã của gia đình đang được tiếp tục thúc đẩy bởi những cú đánh liên tiếp của các công nghệ mới trong thời đại Chuyển đổi số, hay thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuỳ theo các nói của bạn. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là điện thoại di động, internet và mạng xã hội chính là những tác nhân mạnh nhất. Bây giờ chiếc điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân, vật người ta đặt ở đầu giường, vật đầu tiên mà người ta quờ tay tìm kiếm khi tỉnh giấc. Bây giờ, ngay cả trong bữa cơm gia đình, cha mẹ và con cái cũng ngày càng ít nói chuyện với nhau. Thay vào đó, họ tương tác với những bạn bè ảo trên mạng xã hội.

Kết cục cho mọi chuyện là gì?

Tôi nghĩ đến bộ phim ngắn L'Année du robot (Một năm của người máy) của đạo diễn Yves Gellie. Bộ phim nói về cuộc sống của những người già trong một trại dưỡng lão. Đó là những người già ốm yếu, đôi khi mắc chứng Alzheimer hoặc suy giảm trí nhớ, nhưng tất cả đều chung nhau nỗi cô đơn và sự thiếu vắng tình người. Thay cho sự tương tác với người thật, họ tương tác với người máy.

Hình ảnh những người già sống cùng người máy trong phim phải chăng là ẩn dụ cũa xã hội con người trong tương lai?

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ giá trị gia đình Việt Nam

    10:50, 20/12/2022

  • Văn hóa đặc biệt trong “đế chế” gia đình Merck

    16:22, 19/12/2022

  • Doanh nhân - nhà giáo dục gia đình

    09:38, 29/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số phận của gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO