Dòng kinh tế số: “Trận chiến trên mây” của Snowflake
Một điều đặc biệt: Chưa có startup nào ở Thung lũng Silicon lên sàn trong năm nay.
Nhưng khoảng thời gian ảm đạm đó sắp kết thúc. Công ty phân tích đám mây Sumo Logic, nhà phát triển phần mềm trò chơi Unity và gã khổng lồ tương lai về cơ sở dữ liệu tương lai Snowflake đã lên lịch IPO trong tuần này, ngay sau đó là Asana, Corsair Gaming và Palantir.
Snowflake đang được chú ý nhiều nhất, và họ xứng đáng với điều đó. Là đơn vị độc lập đi đầu trong việc chuyển cơ sở dữ liệu lên đám mây, Snowflake đã và đang phát triển với tốc độ ba chữ số và khiến khách hàng phải trầm trồ với các dịch vụ cực kỳ nhanh chóng. Dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu với mức định giá khoảng 30 tỷ USD, đây sẽ là đợt IPO của một công ty khởi nghiệp phần mềm có giá trị cao nhất từ trước đến nay (và là đợt IPO công nghệ có giá trị cao thứ năm so với mọi loại hình khác), với mã giao dịch cũng rất “đáng yêu”: SNOW.
Câu chuyện khởi nghiệp của Snowflake cũng mang mô típ khá đặc trưng của vùng Silicon, khi hai chàng trai làm việc chung tại Oracle cùng hợp tác để mở công ty riêng. Họ “đóng quân” trong một căn hộ nhỏ ở San Mateo và hoạch định chiến lược về cách mà cơ sở dữ liệu - “chất xám” quan trọng nhất trong kinh doanh - có thể được cách mạng hóa bằng điện toán đám mây. Công ty của họ phát triển vũ bão nhưng không tránh khỏi những lần đi chệch hướng. Chỉ đến khi họ mang về Frank Slootman (nay là CEO), công ty đã cứng cáp hơn để chuẩn bị IPO.
Mọi câu chuyện đều cần những nhân vật phản diện để trở nên hấp dẫn hơn. Nếu đây là bộ phim “Thung lũng Silicon” của HBO, một nhân vật phản diện như vậy nhiều khả năng sẽ được điều hành bởi một tỷ phú cứng đầu, người thích lái máy bay phản lực, sở hữu đảo ở Hawaii và nói về việc bắn chó của đối thủ cạnh tranh. Thực tế thì như thế nào?
Snowflake có các yếu tố để trở thành một gã khổng lồ trong tương lai: một sản phẩm mà khách hàng không ngừng bàn tán, một xu hướng lớn không thể ngăn cản đang thúc đẩy sự gia tăng của họ, và một thị trường màu mỡ có thể khai thác. Nhưng họ cũng có một số thách thức lớn, bao gồm không chỉ quân đội Oracle của Larry Ellison mà còn cả các ứng dụng cơ sở dữ liệu đám mây từ ba nhà cung cấp lớn là Amazon, Microsoft và Google. Và vì tất cả các ứng dụng của Snowflake cũng “cùng một tầng mây”, nên sẽ rất khó khăn nếu cả ba đối thủ lớn quyết định “chơi lớn”. Ai dám chắc điều đó sẽ không xảy ra?
Dù thế nào, “trận chiến trên mây” sẽ rất đáng xem.
TIN TỨC ĐÁNG CHÚ Ý
Tại Cupertino, Tim Cook và cộng sự đã phát sóng trực tiếp sự kiện đặc biệt của Apple. Với tên gọi “Thời gian trôi” (Time flies), Apple cho ra mắt Apple Watch series 6 với khả năng đo nồng độ oxy trong máu, iPad Air thiết kế mới cùng các bản cập nhật quan trọng của iOS và iPadOS.
Bên cạnh đó là dịch vụ Fitness+ với các chương trình được cập nhật hàng tuần để việc tập luyện trở nên thú vị hơn. Apple vẫn chưa công bố các mẫu đầu tiên của iPhone và MacBook chạy bằng chip ARM riêng của hãng.
Còn chiếc kính VR được đồn thổi từ lâu? Chắc chúng ta còn phải chờ rất dài nữa.
Trong một diễn biến khác, Walmart ra mắt dịch vụ giải trí trực tuyến Walmart+ như một đối trọng của Amazon Prime, và Microsoft cũng chính thức mở dịch vụ trò chơi đám mây của mình, xCloud, với hơn 150 trò chơi nhưng không có ứng dụng dành cho iPhone.
LG đã giới thiệu dòng điện thoại mới có tên là Wing với màn hình lật ngang trên thân để lộ màn hình thứ hai bên dưới. Giới quan sát nghi ngại khả năng thành công của concept điện thoại mới mẻ này vì những rắc rối từ phía người dùng khi phải làm quen với cách sử dụng mới.
Bên cạnh làn sóng IPO, giới khởi nghiệp tiếp tục chào đón dòng đầu tư từ nhiều nguồn khác. Nền tảng thanh toán của Thụy Điển Klarna đã huy động được 650 triệu USD trong một thỏa thuận định giá công ty ở mức hơn 10 tỷ USD.
Ứng dụng bảng tính đám mây Airtable đã huy động được 185 triệu USD trong một thỏa thuận đẩy giá trị tư nhân của nó lên mức 2,5 tỷ USD. Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Howie Liu của Airtable trong một bài phỏng vấn với Bloomberg cho biết “cơ hội 100 tỷ USD đang ở trước mắt”.
GÓC NHÌN CHIẾN LƯỢC
Sau khi thông báo mua lại đơn vị thiết kế ARM với giá 40 tỷ USD, Nvidia bỗng nhiên “có trọng lượng” hơn hẳn khi đặt cạnh bàn cân với AMD hay Intel. Xét riêng về ứng dụng AI, cần biết rằng công nghệ GPU của Nvidia góp mặt trong hơn 97% các cơ sở hạ tầng về AI được cung cấp bởi các đơn vị dịch vụ đám mây lớn như AWS của Amazon hay Azure của Microsoft, theo một báo cáo năm ngoái từ Liftr Cloud Insights. Doanh thu từ trung tâm dữ liệu của Nvidia lần đầu tiên vượt qua doanh thu về trò chơi điện tử trong quý gần đây nhất với 1,75 tỷ USD.
Thương vụ với ARM sẽ cho phép gã khổng lồ GPU có trụ sở tại Santa Clara, California mở rộng sự thống trị của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, từ trung tâm dữ liệu và máy chủ chuyên dụng cho đến điện thoại di động và bộ vi xử lý nhỏ, những thiết bị ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các phương tiện kết nối mạng — từ đèn đường đến máy giặt — trong mạng lưới IoT.
DÒNG CHẢY NHÂN SỰ