Du lịch

Soi thiết kế độc đáo của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong tương lai gần

Nam Dương 18/05/2025 00:18

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được nâng cấp toàn diện, hướng đến trở thành một trong những sân bay hiện đại, thông minh bậc nhất thế giới.

261-202505172014581.jpg

Phú Quốc – hòn đảo ngọc phía Nam của Tổ quốc – đang đứng trước thời khắc chuyển mình mạnh mẽ với loạt dự án hạ tầng hàng không, hạ tầng đô thị... phục vụ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2027). Các dự án đang được gấp rút triển khai, một trong đó là quy hoạch và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trở thành "cửa ngõ" ấn tượng, hiện đại, tiện nghi khi APEC 2027 diễn ra tại đảo ngọc.

261-202505172014582.jpg

Theo quy hoạch, sân bay sẽ có diện tích hơn 1.050 ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4E theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cho phép tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 747, 787 hay Airbus A350. Trước thềm APEC 2027, công suất sân bay dự kiến đạt 18 triệu lượt hành khách/năm, gấp 4,5 lần hiện nay (4 triệu lượt/năm), đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch, kinh tế mạnh mẽ của "đảo ngọc". Sân bay sẽ đạt công suất 50 triệu hành khách và 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm đến năm 2050.

261-202505172014583.jpg

Đáng chú ý, sân bay Phú Quốc sẽ có hai đường cất hạ cánh, trong đó đường băng hiện hữu sẽ được kéo dài lên 3.500 mét, đồng thời xây dựng thêm một đường băng mới dài 3.300 mét. Hệ thống sân đỗ sẽ được mở rộng lên hơn 100 vị trí, bao gồm 45 vị trí đỗ máy bay thân rộng bao gồm cả những vị trí có ống lồng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác và phục vụ hành khách quốc tế lẫn nội địa.

Không chỉ chú trọng đến quy mô, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc còn là công trình mang tính biểu tượng cao về kiến trúc và công nghệ. Nhà ga hành khách được thiết kế với cảm hứng từ hình tượng Phượng Hoàng – loài chim tượng trưng cho hoàng gia, quyền lực và cao quý.

261-202505172014584.png

Đây là tác phẩm của CPG Singapore, được trực tiếp chắp bút bởi kiến trúc sư Steven Thor – Phó Chủ tịch điều hành CPG Consultants. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, các tác phẩm nổi bật của ông phải kể đến Cảng hàng không quốc tế Hàng Châu -T2, Trung tâm vận tải tích hợp phía Đông sân bay Thâm Quyến,...

Điểm nhấn quan trọng của sân bay là việc tích hợp các công nghệ vận hành tiên tiến, tương tự như các sân bay hiện đại hàng đầu thế giới như Changi (Singapore), Haneda (Nhật Bản), hay Beijing (Trung Quốc). Hành khách sẽ được trải nghiệm quy trình check-in từ xa, phân loại hành lý tự động, nhận dạng sinh trắc học giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục xuống chỉ còn 15–30 giây mỗi người. Các giải pháp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và điều tiết giao thông thông minh cũng sẽ được triển khai đồng bộ.

261-202505172014596.jpg

Bên cạnh nhà ga hành khách chính, Phú Quốc cũng đầu tư xây dựng nhà ga VIP do kiến trúc sư người Ý Marco Casamonti, "cha đẻ" của biểu tượng Cầu Hôn tại Phú Quốc thiết kế. Lấy cảm hứng từ hình ảnh cá đại bàng biển – biểu tượng của sự tự do, uyển chuyển và hài hòa với thiên nhiên.

Nhà ga VIP không chỉ là công trình độc đáo về kiến trúc mà còn là nơi đón tiếp các đoàn ngoại giao cấp cao, với khả năng phục vụ tới 300 người cùng lúc từ các chuyến bay có nguyên thủ và phái đoàn tháp tùng.

261-202505172014598.jpg

Đặt mục tiêu về đích trong chưa đầy 2 năm, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc không đơn thuần là một công trình hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển, hội nhập và vươn ra thế giới của Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, sân bay này sẽ là cánh cửa mở ra không gian phát triển rộng lớn cho đảo ngọc, đồng thời khẳng định vị thế của Phú Quốc trên bản đồ du lịch và kinh tế khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Soi thiết kế độc đáo của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong tương lai gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO