Sojitz toan tính điều gì khi "thâu tóm" Saigon Paper?

Nguyễn Long 27/06/2018 04:30

Việc Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản thâu tóm Công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper) được coi là bước khởi đầu cho việc tấn công vào thị trường Đông Nam Á.

Việc Tập đoàn thươnng mại Sojitz của Nhật Bản thâu tóm Công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper) được coi là bước tạo đà cho việc tấn công vào thị trường Đông Nam Á.

Sojitz thâu tóm Công ty Giấy Sài Gòn được coi là bước đệm tấn công vào thị trường Đông Nam Á.

Theo Nikkei Asian Review, Sojitz đã chi khoảng 10 tỷ JPY (91 triệu USD) để nắm giữ 93,8 triệu cổ phần của Saigon Paper, tương đương 95,2% vốn điều lệ của công ty.

Cử đại diện quản lý Saigon Paper

Sojitz là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam từ năm 1986. Hiện nhà đầu tư này đang đầu tư tại Việt Nam các lĩnh vực: điện, dầu khí, phân bón, hạ tầng khu công nghiệp, phân phối bột mì, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc…

Sau cuộc thâu tóm Saigon Paper, Sojitz sẽ cử 6 nhà quản lý từ Nhật Bản để giúp Saigon Paper đổi mới hệ thống tài chính và kế toán, đồng thời xem xét nâng cấp các cơ sở sản xuất của Saigon Paper. Ngoài ra, Sojitz và Saigon Paper sẽ hợp tác với nhau để xử lý rác thải có thể tái chế từ các khu công nghiệp, cơ sở hậu cần và các cửa hàng tiện lợi Ministop của Nhật Bản.

Sojitz hy vọng với việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, họ có thể tăng doanh số tại thị trường này khoảng 40% và đạt mức doanh thu 18 tỷ JPY vào năm 2022.

Trong khi đó, Saigon Paper được ông Cao Tiến Vị sáng lập năm 1997, từ một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Sau hơn 20 năm phát triển, Saigon Paper trở thành công ty sản xuất giấy tiêu dùng và công nghiệp lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất giấy tiêu dùng 40.560 tấn và giấy công nghiệp 232.440 tấn mỗi năm. Doanh nghiệp này đang nắm giữ khoảng 18% thị phần sản xuất giấy tại thị trường trong nước.

Saigon Paper từng rơi vào tình trạng khó khăn năm 2007, khi bắt đầu triển khai dự án Nhà máy Mỹ Xuân 2. Đó cũng là giai đoạn phát triển mạnh của ngành giấy, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên rất nhiều nhà đầu tư đổ vốn với kỳ vọng lớn.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến các nhà đầu tư, gồm Prudential và VIG bắt đầu rút vốn. Đến năm 2013, Tập đoàn Daio (Nhật) cũng rút toàn bộ vốn khỏi dự án này.

Khi đó, doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư U&I đã chi khoản đầu tư 400 tỷ đồng giúp Saigon Paper vượt qua khó khăn tài chính.

Thâm nhập thị trường giấy Việt 

Với việc chi hơn 91 triệu USD để mua lại Saigon Paper, Sojitz nhanh chóng bước chân vào thị trường sản xuất giấy Việt Nam đang có mức tăng trưởng mạnh. Nhu cầu về bìa carton ở Việt Nam đã tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua, hưởng lợi từ sự gia tăng của mua sắm trực tuyến và chuyển dịch sản xuất hàng dệt may và điện tử từ thị trường Trung Quốc. Nhu cầu giấy vệ sinh cũng tăng gấp đôi trong thập kỷ qua nhờ mức sống của người Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Mặt hàng chủ yếu của Saigon Paper là khăn giấy với thương hiệu Bless You, giấy vệ sinh và bìa carton. Công suất sản xuất của công ty đạt 40.000 tấn giấy vệ sinh và 230.000 tấn giấy công nghiệp, đem lại mức doanh thu trên 100 triệu USD mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam, thương vụ này còn giúp Sojitz vươn tới thị trường Đông Nam Á, vốn đang có nhu cầu sử dụng các sản phẩm giấy bìa cứng và khăn giấy ngày một tăng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sojitz toan tính điều gì khi "thâu tóm" Saigon Paper?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO