Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 được kỳ vọng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công.
Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, còn nhiều việc phải làm.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành tiếp tục nhất quán quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công, đồng thời mở rộng phạm vi tài sản giao cho các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND cấp tỉnh phân cấp...
Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc ban hành quy định về phân cấp là tiền đề quan trọng nhất để triển khai công tác quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương. Nếu chưa ban hành quy định phân cấp mới thì từ ngày 01/01/2018, công việc sẽ dồn toàn bộ lên Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh hoặc các cấp, các đơn vị sẽ quyết định các vấn đề về tài sản không đúng thẩm quyền, rất khó khắc phục, dễ gây thất thoát, lãng phí.
Xác định tầm quan trọng của việc phân cấp tài sản, ngay từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai việc xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, mới có Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND tỉnh Sơn La ban hành quy định thay thế cho quy định về phân cấp trước đây. Vì vậy, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh còn lại cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 31/7/2018 đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Theo ông Thắng, tiêu chuẩn, định mức là công cụ quan trọng trong quản lý tài sản công. Đây là cơ sở để thực hiện việc lập kế hoạch, dự toán và tổ chức thực hiện đầu tư, mua sắm, thuê, sửa chữa, nâng cấp, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 giao Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trụ sở làm việc, xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với máy móc thiết bị; các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Trên cơ sở quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chuyên ngành, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh sẽ phải cụ thể hóa định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thông qua việc ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành.
Như vậy, hầu như hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công sẽ có sự thay đổi so với các quy định trước đây. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, tiến độ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên ngành, cũng như việc cụ thể hóa định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm.
Qua nắm tình hình của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có Bộ Tài chính và một số địa phương thực hiện phân cấp và ban hành định mức sử dụng tài sản chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Riêng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
“Việc chậm ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng sẽ tác động mạnh tới công tác quản lý tài sản ở các đơn vị do không thực hiện được việc đầu tư, mua sắm, thuê, giao, điều chuyển, bán đối với tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản thường xuyên hoặc phải giải quyết các vấn đề đột xuất, cấp bách. Vì vậy, Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thành nội dung này” - ông Thắng cho hay.