Tĩnh lặng và dừng lại cũng là một dạng hoạt động, tích góp năng lượng.
Con người đang xoay xở trong không gian ngày một chật hẹp, điều đó đến một cách tự nhiên khi nguồn lực, tài nguyên ngày một cạn kiệt, giờ đây thêm cú đánh bồi từ dịch bệnh COVID-19 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Các quốc gia không thể bang giao rộng rãi, từ các trung tâm công nghiệp khổng lồ cho đến hoạt động cá nhân bị giới hạn lại, các cỗ máy kiếm tiền, tiêu dùng ngưng đọng. Phải chăng, dịch bệnh là sứ giả của một quy luật khách quan nào đó?
Nếu chẳng phải vậy, cớ sao trí tuệ thiên cổ đã để lại kho tàng tư tưởng nhân văn, nhân sinh - những điều mà hiện tại càng ngẫm càng thấy chí lý! Nếu như triết gia đương thời luôn tìm cách để cải tạo, thuần phục tự nhiên, miệt mài tìm cách tiến lên, tiến lên không ngừng thì Lão Tử có cái nhìn ngược lại.
Ông khuyên con người hãy “vô vi”, “vô dục”, “vô tư” thuận theo tự nhiên. Thế cuộc này chẳng vô vi thì còn làm gì được? Ít nhất, chúng ta cũng sống chậm lại, nghĩ nhiều hơn, thận trọng đắn đo hơn trong tất thảy những quyết định. Trong môi trường hạn chế giao tiếp, tiết chế hầu hết các ham muốn, cắt bỏ bớt tham vọng - quả thực là “vô dục”. Bây giờ yêu cầu này không còn là một lời khuyên nhẹ nhàng như cuốn sách “hạt giống tâm hồn”, nó đã được pháp định hóa, chế tài hóa.
Lão Tử bắt đầu nói về “luật quân bình” từ ngàn năm trước, nghĩa là không nên làm điều gì vượt quá giới hạn mà phải “biết đủ, biết dừng”, “biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”, “người kiêu tất bại, người ngạo tất vong”. Trong “Hán Sở tranh hùng” dũng tướng Hàn Tín vì coi trời bằng vung, vỗ ngực xưng tên với Lưu Bang - Hán Cao Tổ nên chết thảm, trong khi đó đại quân sư Trương Lương sau khi giúp Lưu Bang lập ra nhà Hán liền cáo lui về ẩn dật, vừa lưu danh muôn thuở, vừa tránh được họa máu chảy đầu rơi khi nhà Hán suy vong. Và, thời nào cũng có, biết bao nhiêu tấm gương chết vì tham lam, chuốc lấy họa vì không biết đủ, không biết dừng lại. Để không vượt quá giới hạn vô hình, Lão Tử đưa ra phương pháp “khiêm hạ”.
“Khiêm hạ” trong đạo đức Lão Tử được ví như thủy, mềm mại như nước, uyển chuyển như khí, thường ở chỗ thấp, nuôi dưỡng muôn loài nhưng mang trong mình sức mạnh khủng khiếp. Đó là sức mạnh của sự cảm hóa, thuyết phục. Nếu ngộ đạo thì chẳng việc gì phải khổ trước nghịch cảnh, mọi thất bại, đau đớn đều có nguồn gốc từ sai trái và sai trái lớn nhất, cũng như thất bại lớn nhất là hành động trái với tự nhiên, vi phạm quy luật.
Hẳn nhiên, “vô vi” không có nghĩa là không làm gì cả, mà ngược lại “không gì là không làm”. “Vô vi” nhiều hơn tức là hạn chế tác động chủ quan ra bên ngoài, khi đó quy luật tự nhiên có cơ hội thay ta sắp xếp trật tự. Chúng ta sẽ làm việc ít hơn, kết quả bền vững hơn và hạnh phúc nhiều hơn.
Tĩnh lặng và dừng lại cũng là một dạng hoạt động, tích góp năng lượng. Vậy thì, cớ sao lại phiền muộn khi hơn 7 tỷ người đều chung một cảnh ngộ trước đại dịch lần này?