Bây giờ, Côn Đảo được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng, nhưng hơn 100 năm trước Camille Saint-Saëns, nhà soạn nhạc tài hoa người Pháp ngay khi đặt chân đến đã thấu cảm được vẻ đẹp của nơi đây.
Ông viết rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng, ở đó tội ác bị đẩy lùi…
Năm 1895, Camille Saint-Saëns đến Côn Đảo theo lời mời của A.Rousseau mới sang nhậm chức toàn quyền Đông Dương trong bối cảnh ông cũng đang cần một không gian yên tĩnh để hoàn thiện vở opera Brunhilde còn dang dở của người bạn thân quá cố Ernest Guiraud (qua đời năm 1892) uỷ thác.
Cảnh vật hoang sơ, hữu tình Côn Đảo đã níu chân nhạc sĩ tài hoa từ ngày 20/3 đến 19/4/1895 ở ngôi Nhà khách vãng lai (nay là Nhà Công Quán). Một buổi tối, đi dạo trên đảo, ông bất chợt nghe thấy những âm thanh lạ. Đó là tiếng đàn nhị réo rắt, du dương của một tù nhân. Những âm thanh mà ông chưa nghe thấy bao giờ. Nó gợi mở cho ông một chân trời âm thanh mới lạ. Cảm xúc thăng hoa, ông đã thức trắng trong Nhà Công Quán để hoàn tất chương cuối của vở opera Brunhilde bất hủ.
Trong bức thư chia tay gửi cho chúa đảo Louis Jacquet, Quyền Giám đốc Nhà tù Côn Đảo lúc đó, Saint-Saëns viết: “…Phong cảnh Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu như thế… Và tôi đã hoàn tất vở opera mà bạn tôi giao phó. Tôi hài lòng... Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi...”.
Sau khi hoàn thành, Saint-Saëns đổi tên vở nhạc kịch thànhHoàng hậu Frédégonde.
Saint-Saëns sinh năm 1835 tại thủ đô Paris, Pháp. Ông được đánh giá là thần đồng âm nhạc, có địa vị chói sáng trong nền âm nhạc Pháp và cả châu Âu. Mới 3 tuổi, ông đã sáng tác những đoạn nhạc đầu đời. 10 tuổi đã trình tấu các tác phẩm của Beethoven, Mozart… 13 tuổi được nhận vào Nhạc viện Paris và đã gây ấn tượng bằng tài biểu diễn piano, organ và cả soạn nhạc. Ông là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng của thời kỳ lãng mạn thế kỷ 19. Âm nhạc của Saint-Saëns thanh nhã về hình thức và đường nét, hòa thanh đẹp.
Hơn 100 năm trôi qua, Nhà Công Quán với những ô cửa rộng tràn đầy ánh sáng đã trở thành Nhà lưu niệm rất nhiều hình ảnh, tài liệu về người nhạc sĩ tài hoa Saint-Saëns. Bức tượng bán thân của ông được đặt trang trọng giữa nhà.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, sự phối hợp của Viện Pháp tại Việt Nam, tổ chức La Fabrique Opera (Pháp), lần đầu tiên vở nhạc kịch Hoàng hậu Frédégonde được công diễn tại Nhà hát TP.HCM, nơi quốc gia tác giả đã hoàn thành tác phẩm này cách đây hơn một thế kỷ.
Bây giờ, Côn Đảo nằm trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam và được du khách đánh giá là thiên đường nghỉ dưỡng. Ở đây, du khách được hít thở bầu khí hậu trong lành, đắm chìm trong ánh nắng, khám phá hệ sinh vật biển dạng, những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp với bãi cát dài phẳng mịn, làn nước trong xanh mát lạnh...phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Hai tạp chí du lịch danh tiếng Lonely Planet (Australia) và Travel and Leisure (Mỹ) đã từng bình chọn bởi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) với những mỹ từ như: hòn đảo “bí ẩn nhất” và “quyến rũ nhất” hành tinh. Đó là những bảo chứng khách quan cho vẻ đẹp của Côn Đảo.
Điều khá thú vị là dù được đánh giá là thiên đường nghỉ dưỡng với các khu resort hiện đại, đẳng cấp như: Côn Đảo Resort, Côn Đảo Sea, Côn Đảo Camping, Khu du lịch Poulo Condor, trong đó Six Senses là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Côn Đảo nhưng phát triển du lịch cũng như tốc độ đô thị hoá ở Côn Đảo không diễn ra ồ ạt. Đặc biệt hơn, Côn Đảo có lẽ là địa phương duy nhất khống chế tốc độ tối đa của phương tiện giao thông dưới 50km/h. Trong thế giới hối hả mưu sinh, tất bật lo toan, dường như, chính quyền muốn níu du khách sống chậm lại, có thời gian đắm chìm trong từng khoảng khắc, cảm nhận hết vẻ đẹp thiên phú nơi đây?!
Nói theo cách của Saint-Saëns: Ở đâu có cái đẹp ở đó mọi lo lắng, buồn phiền được rũ bỏ, con người cần được sống thiện nhất và bình an nhất.
Sống chậm ở thiên đường, đó là một đặc ân!
Có thể bạn quan tâm
05:00, 31/01/2021
05:08, 30/01/2021
05:00, 24/01/2021
05:00, 23/01/2021
05:00, 17/01/2021
05:00, 16/01/2021
05:00, 27/12/2020
04:45, 20/12/2020
05:00, 12/12/2020
05:00, 06/12/2020
05:00, 25/10/2020
05:08, 24/10/2020
05:00, 17/10/2020
05:00, 11/10/2020
05:00, 10/10/2020