Không ai phủ nhận vai trò của các công ty gia đình đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh công ty gia đình mang lại, cũng có nhiều vấn đề về mô hình này cần phải khắc phục.
Nhìn từ câu chuyện của Trung Nguyên, nhiều người băn khoăn về sự rạn nứt của mô hình doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam. Ai cũng có thể hình dung ra “hồi kết” của câu chuyện này, nhưng những thông tin cũng ít nhiều ảnh hưởng đến "cặp đôi quyền lực" và thương hiệu Trung Nguyên đã tồn tại mấy chục năm nay. Và đây cũng là một trong những điểm bất lợi của mô hình công ty gia đình vốn rất phổ biến tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 27/02/2019
15:15, 20/02/2019
02:19, 20/02/2019
Chưa hết, những thông tin xấu của đối thủ đánh vào Trung Nguyên cũng nhân dịp này "tung hoành" trên các kênh truyền thông không chính thống. Đây là những điều bất lợi mà không doanh nhân nào muốn xảy ra với doanh nghiệp của mình, nhất là đối với thương hiệu cà phê được coi là đại diện của cà phê Việt Nam hiện nay.
Những vợ chồng "đứt gánh giữa đường" trong giới doanh nhân Việt Nam không phải là hiếm. Năm 2007, vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Khi Đức Phát đang ở đỉnh cao thì vợ chồng ông Cao Siêu Lực "đường ai nấy đi". Ông Lực đã để Đức Phát cho vợ quản lý và bắt đầu một hành trình mới. May mắn và cũng là người có bản lĩnh nên sau khi chia tay, ông Cao Siêu Lực đã gây dựng lại cơ nghiệp và đã vượt qua thời điểm hoàng kim của Đức Phát khi xưa.
Không bàn về chuyện nội bộ của từng gia đình vì chỉ có họ mới hiểu rõ nhất nội tình. Song, kết cục hôm nay có lẽ đã khác, nếu ngay từ thời điểm ban đầu, việc phân chia quyền lực, cơ chế chia sẻ tài nguyên và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình được thiết lập hiệu quả. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp gia đình cũng có cách quản trị riêng. Họ dùng những giá trị triết lý sống Á Đông, thâm tình giữa các thành viên trong gia đình mà gắn kết bền chặt với nhau.
Chuyên gia tư vấn Huỳnh Phước Nghĩa, Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) từng nhận xét, có 7 vấn đề các công ty gia đình cần giải quyết. Đó là hoạch định đội ngũ kế thừa, sự ảnh hưởng của cái bóng người sáng lập, xung đột trong công ty gia đình, sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình, vai trò của nữ giới trong kế thừa - lãnh đạo doanh nghiệp, giá trị công ty và giá trị gia đình, quản trị và kiến tạo doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột như quan hệ cha - con, thế hệ con cháu tranh giành quyền lực, thành viên trong gia đình không cùng mục tiêu, sự can thiệp hoặc rủi ro của người ngoài gia đình...
Nguồn gốc của những xung đột này là do sự phân chia trách nhiệm và vai trò không rõ ràng, không công bằng trong hoạch định kế thừa, phân biệt nam - nữ, không minh bạch trong chính sách... Nghiêm trọng nhất của sự xung đột trong các công ty gia đình là xung đột lợi ích giữa các thành viên trong gia đình. Để giải quyết các xung đột trong các công ty gia đình nhất thiết phải xây dựng bộ hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình có liên quan đến công ty về quyền hạn, lợi ích, kế hoạch phát triển cá nhân...