Trong khi công tác cổ phần hóa chưa có nhiều tín hiệu để thúc đẩy các mục tiêu theo kế hoạch đề ra giai đoạn 2023-2025, thì dự kiến tới đây hoạt động thoái vốn Nhà nước sẽ được “làm tới”...
SCIC đã công bố 31 doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2025.
Theo kế hoạch thực hiện cổ phần hóa 30 doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2023-2025, dự kiến thu về 36.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2023, 2024 và quý I/2025 chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Như vậy, dự kiến theo kế hoạch 9 tháng còn lại năm 2025 phải triển khai cổ phần hóa 30 doanh nghiệp.
Trong quý I/2025, theo thông tin chương trình công tác của Bộ Tài chính, không có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn. Cùng với đó, từ ngày 01/3/2025 Bộ Tài chính đã tiếp nhận 18 Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu.
“Bộ Tài chính (với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đã có các văn bản đề nghị 23 Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng không thấp hơn năm 2024 và tăng từ 8% trở lên so với năm 2024, trong đó tối thiểu chỉ tiêu sản lượng doanh thu kế hoạch năm 2025 của công ty mẹ và hợp nhất đạt mức tăng trưởng không thấp hơn 8% (là các chỉ tiêu đóng góp chính vào tính toán GDP)”, Bộ Tài chính cho biết.
“Việc nhận chuyển giao 18 doanh nghiệp để thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tăng cường sức mạnh của nền kinh tế với mục tiêu thực hiện sứ mệnh vươn mình, tăng tốc xây dựng đất nước ngày một hùng cường, thịnh vượng”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đây cũng là lúc để vai trò “xông pha” của các doanh nghiệp Nhà nước trong việc đi đầu đóng góp vào tăng trưởng cao, có sự phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân, cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá. Tuy nhiên, các nhiệm vụ đề ra trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn với áp lực dồn về cuối năm nay, so với kế hoạch được giao, có thể sẽ là thách thức rất lớn của cơ quan quản lý, trong bối cảnh cùng lúc phải thực hiện nhiều mục tiêu. Song song với đó, nhiều hạn chế ở khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra như Bộ Tài chính thừa nhận, cũng chưa thể một sớm một chiều được tháo gỡ hoàn toàn.
Một động thái gần nhất cho thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý để “chạy đua” với thời gian nhằm hoàn thành kế hoạch: SCIC công bố danh sách 31 doanh nghiệp thoái vốn đợt 1 năm 2025. Trong danh sách này, có nhiều doanh nghiệp đặc biệt được thị trường quan tâm như FPT (FPT, vốn của SCIC là gần 840 tỷ đồng, chiếm 5,7%), Domesco (DMC, vốn của SCIC là 120,5 tỷ đồng, chiếm 35%), Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (HND, vốn của SCIC là 450 tỷ đồng, chiếm 9%), Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP, vốn của SCIC là 514 tỷ đồng, chiếm 11,4%), Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP, vốn của SCIC là 528,8 tỷ đồng chiếm 37,1%), Seaprodex (SEA, vốn của SCIC là 728,28 tỷ đồng chiếm 93%)….
Trong số các doanh nghiệp nói trên, một số tên tuổi cũng đã có danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của SCIC như Công ty Vật liệu Xây dựng khoáng sản Bình Thuận, NTP, FPT… Và đặc biệt, NTP và FPT đang là “gà đẻ trứng vàng” với cổ tức hấp dẫn cho SCIC.
Gần nhất đầu 2025, SCIC vừa nhận hơn 71 tỷ đồng cổ tức từ NTP. Trước đó, FPT cũng đã chốt tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 và dự kiến sẽ thanh toán tiếp theo với tổng tỷ lệ được phê duyệt 20% trong quý II/2025.
Một thành viên của FPT mà SCIC cũng là cổ đông lớn nắm giữ 50,17% lợi ích - FPT Telecom (FOX) dự kiến sẽ trả cổ tức, theo tỷ lệ trên cổ phiếu SCIC sẽ nhận hơn 494 tỷ đồng…
Với sức hấp dẫn của NTP ở vị thế “vua ngành nhựa”, hay FPT là doanh nghiệp đầu ngành công nghệ thông tin, đặc biệt FPT có mức chiết khấu khá lớn so với giá ở năm 2024 sau giai đoạn khối ngoại đua bán, hoặc Domesco ở lĩnh vực y tế có nhiều dư địa tăng trưởng - theo kế hoạch sẽ được SCIC đấu giá vào 12/5 tới, thì hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp này rất được nhà đầu tư chờ đợi; đồng thời cũng được dự báo sẽ dễ thành công.
Đây cũng sẽ là điều kiện cho các nhà đầu tư có kỳ vọng “đu sóng” thoái vốn, như những đợt sóng đã từng diễn ra với FPT, NTP hay 1 số doanh nghiệp khác chẳng hạn BMP… khi SCIC công bố danh sách trước đây. Tuy nhiên theo một chuyên gia tài chính, việc “đu sóng” với mọi mặt hàng đều có thể khiến nhà đầu tư bị “lật thuyền”.
Mặt khác, với những doanh nghiệp dù đã có mặt trên sàn chứng khoán, đặc biệt tập trung ở sàn UPCoM, thanh khoản không cao, tỷ lệ sở hữu của SCIC lớn tương đương giá trị thoái vốn lớn nếu SCIC muốn đấu giá trọn lô, hoặc rất nhỏ (dưới 25% - không đủ hấp dẫn cho nhu cầu M&A nắm quyền kiểm soát)… thì hoạt động đấu giá thoái vốn có thể không như mong đợi.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế -Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng chìa khóa bán vốn nằm từ khâu xác định giá. Việc xác định giá bán vốn không chỉ từ nội tại định giá trị doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán. Theo đó, thị trường cũng kỳ vọng dù có thể chậm trễ theo mục tiêu và kế hoạch, việc đưa vào vận hành KRX, tiến đến nâng hạng, là cơ hội chung cho cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tương lai.