Nhằm cải thiện chất lượng và tập trung cho những thị trường tiềm năng khác, Sony Mobile đã quyết định dừng kinh doanh tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực.
Tập trung cho thị trường chính
Theo đó, trong cuộc họp công bố chiến lược kinh doanh năm tài chính 2020 Sony tuyên bố hãng mong muốn mảng di động sẽ có lãi vào năm 2020, thông qua việc giảm chi phí hoạt động còn một nửa so với năm 2017. Ngoài ra, Sony cũng mong muốn mảng di động sẽ làm việc chặt chẽ hơn với các bộ phận còn lại trong mảng điện tử của Sony như máy ảnh, âm thanh, hình ảnh để đem đến những chiếc smartphone hấp dẫn hơn, ví dụ như chiếc Xperia 1 mà Sony ra mắt gần đây.
Một thay đổi quan trọng khác là Sony sẽ thu hẹp đáng kể thị trường của mình và chỉ tập trung vào một số thị trường nhất định. Cụ thể, Sony sẽ tập trung bán smartphone của mình tại quê nhà Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan và Hong Kong.
Trái ngược lại, như một cách để giảm chi phí hoạt động, Sony cũng sẽ ngừng tập trung vào nhiều thị trường không đem lại hiệu quả cho hãng này.
Trên thực tế, Sony đã thu hẹp các hoạt động kinh doanh của hãng trong khu vực Đông Nam Á từ nhiều tháng nay. Công ty đã đóng cửa một số cửa hàng chính thức tại Malaysia, Singapore và khu vực Trung Đông.
Trang Slashgear nhận định nguyên nhân có thể đến từ chiến lược kinh doanh không phù hợp của Sony Mobile tại các thị trường này.
Bỏ lại thị trường Việt Nam “màu mỡ”
Với quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam, Sony đã bỏ lại một thị trường có thể nói là màu mỡ nhưng cũng không dễ xơi, đặc biệt khi nó đang thuộc về những gương mặt quen thuộc. Đầu năm 2019, các công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, hơn 90% quy mô của thị trường điện thoại di động Việt Nam có giá trị khoảng 100.000 tỉ đồng rơi vào tay của các hãng ngoại gồm Samsung, Apple, và ba cái tên khác đến từ Trung Quốc Oppo, Huawei và Xiaomi.
Như vậy cũng thấy không quá khó hiểu khi tới giữa 2019, thương hiệu Sony không còn nằm trong danh mục điện thoại trên hai hệ thống bán lẻ thiết bị di động có thị phần lớn nhất ở Việt Nam.
Smartphone của hãng luôn được định giá cao hơn nhiều so với các đối thủ trong khi đây là khu vực đang phát triển. Hơn nữa, thiết kế của các sản phẩm từ hãng cũng không có nhiều thay đổi qua các thế hệ, tạo cảm giác nhàm chán với người dùng.
Ngay từ cuối năm 2018, mảng điện thoại di động của hãng tại thị trường Việt Nam đã bị thu hẹp. Hàng loạt cửa hàng hạ giá và xả hàng tồn điện thoại Xperia. Sony Center thậm chí áp dụng mức giảm lên tới gần 10 triệu đồng với những mẫu cao cấp như Xperia XZ2, Xperia XZ Premium.
Sở hữu dòng sản phẩm trải dài từ cao cấp cho đến giá rẻ, tuy nhiên Sony không thể trụ vững. Các sản phẩm cao cấp của hãng điện tử Nhật Bản lép vế hoàn toàn với các đối thủ đến từ Mỹ (Apple) hay Hàn Quốc (Samsung), trong khi đó các sản phẩm ở phân khúc tầm trung và giá rẻ lại không thể cạnh tranh với những cái tên đến từ Trung Quốc (Oppo, Huawei, Xiaomi...).
Lận đận là tình trạng của Sony Mobile tại không chỉ thị trường Việt Nam. Trong Q2/2018 vừa qua, Sony chỉ bán được 2 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu, đạt doanh thu 1.18 tỷ USD (giảm 27% so với cùng kỳ năm trước). Đây là con số rất khiếm tốn so với các đối thủ khác.
Tại nhiều cửa hàng khác ở Hà Nội và TP HCM, smartphone Xperia cũng không còn được bán như năm ngoái. Trên trang bán hàng trực tuyến Sony Center, danh mục điện thoại cũng biến mất, chỉ còn các sản phẩm khác như máy game Play Station, tai nghe, loa di động, TV, máy ảnh...
Tin đồn Sony sẽ rút mảng di động khỏi thị trường Việt Nam đã xuất hiện từ giữa tháng 9/2018. Khi đó, nhiều nhà bán lẻ di động đồng loạt xả hàng smartphone Sony bằng cách tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sốc.
Mẫu Xperia ZX2 được điều chỉnh giá xuống 11,99 triệu đồng, giảm đến 8 triệu đồng so với thời điểm ra mắt tháng 4/2018. Thậm chí, tại nhiều đại lý chuyên kinh doanh sản phẩm Sony, các smartphone cao cấp của hãng cũng đã được bán hết. Thời điểm này, các mẫu smartphone của hãng cũng gần như biến mất trên kệ hàng của nhiều đại lý.
Cũng sau đợt xả hàng này, Sony chưa mang thêm bất cứ mẫu smartphone nào mới về nước ta. Ngay cả mẫu điện thoại cao cấp nhất Xperia XZ3, hãng cũng không phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam.
Trên thị trường di động Việt Nam, cuộc cạnh tranh đang hết sức khốc liệt không chỉ riêng đối với Sony mà còn có HTC, BlackBerry hay Motorola. Tuy nhiên, chưa một hãng nào sẵn sàng đưa ra quyết định cứng rắn như Sony. Thực tế, Sony mới chỉ là ông lớn thứ hai trong lĩnh vực điện tử toàn cầu rút hoàn toàn khỏi thị trường smartphone Việt Nam, sau LG.
Độ lớn của thị trường không tăng nhưng giá trị tăng. Theo quan sát của các nhà bán lẻ giá trung bình của điện thoại đã tăng lên 10% so với năm 2017. Chỉ riêng giá bán iPhone X đã đạt mốc hơn 1.100 đô la Mỹ, cao gấp đôi so với chiếc điện thoại phiên bản đầu tiên ra đời năm 2007. Khi có nhu cầu mua mới, người dùng cũng sẽ mua sản phẩm với những tính năng mới hơn, ông Việt Anh của FPT Retail nhận xét.
Hiện nay thị trường điện thoại toàn cầu không bị ảnh hưởng nhiều bởi các rào cản thương mại, theo nhận định của ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên viên phân tích, công ty nghiên cứu thị trường Canalys khu vực Đông Nam Á. Do đó, không khó để các thương hiệu điện thoại của các nước khác tràn sang thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường điện thoại di động chờ đợi cú hích mới. Trong khi công nghệ ngày càng ưu việt cũng không có quá nhiều đột phá mới, chưa kể đến vòng đời sản phẩm ngày càng dài hơn, người tiêu dùng không có nhiều động lực để thay đổi.
Các chuyên gia cũng nhận định, trong cuộc chơi công nghệ, khách hàng vẫn có xu hướng chọn sản phẩm tốt nhất với giá tiền phù hợp. Nếu mặt bằng chất lượng, giá cả và các chính sách hậu mãi đi kèm bằng nhau hết thì thương hiệu sẽ là yếu tố cuối cùng khiến khách hàng ra quyết định. Khách hàng Việt Nam ngày nay rất thông thái, ông Việt Anh nhận xét. “Nếu mọi thứ bằng nhau hết thì khách hàng mới chọn đến yếu tố thương hiệu Việt”, ông Việt Anh nói.