Glovo từng nổi tiếng ở Tây Ban Nha với danh hiệu startup bị từ chối đầu tư mạo hiểm nhiều nhất nhì châu Âu.
Oscar Pierre là người đồng sáng lập và CEO của Glovo, một startup giao hàng có trụ sở tại Barcelona, Tây Ban Nha đã có mặt tại 178 thành phố tại 23 quốc gia trên thế giới.
Ngoài giao thực phẩm, Glovo còn cung cấp nhiều dịch vụ khác và được biết đến là ứng dụng "ship" mọi thứ. Từ khi thành lập Glovo năm 2015, Pierre đã giúp công ty trị giá 730 triệu USD này huy động thành công 340 triệu USD.
Oscar Pierre không phải là một chàng trai 26 tuổi bình thường. Ở độ tuổi còn khá trẻ như vậy, anh đã làm được điều mà không phải ai cũng làm được. Bên cạnh hoạt động tại các thị trường chính như Tây Âu và Mỹ Latinh, Glovo đang từng bước xâm nhập vào một số thị trường giao hàng mới nổi ở Đông Âu và Tây Phi.
Về cơ bản, Glovo nhắm tới việc phục vụ nhu cầu giao bất cứ thứ gì khách hàng muốn, trong đó có thực phẩm (chiếm 2/3 hoạt động của công ty), dược phẩm, hàng tạp hóa và phụ kiện smartphone. Điều đó cũng có nghĩa là Glovo đang cạnh tranh trực tiếp với các gã khổng lồ như Uber hay Deliveroo của Amazon.
Pierre chia sẻ: "Ý tưởng về việc mọi thứ ở nơi bạn sống đều được người khác ship đến tận nơi thật là tuyệt vời". Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia năm 2012, anh trở thành kỹ sư khí động học ở Toulouse, Pháp. Tuy nhiên, không lâu sau anh quyết định thành lập Glovo năm 2015 cùng một người bạn, doanh nhân công nghệ người Tây Ban Nha là Sacha Michaud. Pierre cho biết dịch vụ giao nhận theo yêu cầu Postmates là một trong những nguồn cảm hứng khiến anh tạo ra Glovo.
Trước đó, khi còn đi học, Pierre đã thành lập hai công ty trực tuyến: Zikkomo.com, nền tảng quyên góp tài trợ cho trẻ em Malawi và LoveItLocal.es, một trang web giúp thúc đẩy doanh nghiệp thủ công địa phương.
Pierre chia sẻ với Business Insider: "Những gì chúng tôi nhận ra sau hai năm là để xây dựng một công ty lớn, chúng tôi cần danh mục phân phối thực phẩm tốt. Giao thực phẩm từng là trọng tâm lớn nhất của Glovo trong một thời gian dài".
Hiện Glovo đang hợp tác với các công ty đa quốc gia khổng lồ như McDonald’s và doanh nghiệp gia đình, những đơn vị có thể kiếm tiền từ nền tảng Glovo. Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt mức 92 triệu USD, tăng 350% so với năm trước đó.
Trở lại năm 2017, đây thời điểm Glovo suýt rơi xuống vực thẳm. Pierre kể lại: "Chúng tôi nổi tiếng ở Tây Ban Nha với danh hiệu startup bị từ chối đầu tư mạo hiểm nhiều nhất nhì châu Âu. Trong vòng gọi vốn series B, chúng tôi kêu gọi đầu tư từ 118 quỹ khác nhau và tất cả đều nói không. Đối thủ của chúng tôi đều là những gã khổng lồ. Hai năm trước, chúng tôi không thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng mình thực sự có thể cạnh tranh trực tiếp với Uber Eats hay Deliveroo. Glovo từng suýt từng chỉ còn một tháng nữa là phá sản".
Một trong những thách thức của Glovo là do có trụ sở ở Barcelona nên công ty không có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn mạo hiểm từ nơi khác và hệ sinh thái của Tây Ban Nha vốn dĩ khá nhỏ và không thích rủi ro.
Tuy nhiên cuối cùng, Glove cũng được rót 30 triệu USD từ gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản Rakuten. Hai vòng tài trợ khác đã diễn ra sau đó, lần gần đây nhất, công ty của Pierre đã nhận được 170 triệu USD từ nhà đầu tư Lakestar, nâng tổng số tiền huy động được của Glove lên 340 triệu USD.
Đến nay, có thể nói Glovo đang đánh bại Uber hay Deliveroo tại một số thị trường nhất định như Tây Ban Nha và Ý. Theo Pierre, Glovo luôn có tâm lý học hỏi từ đối thủ cạnh tranh và sau đó dần đánh bại họ. Anh nói: "Trong tương lai, chúng tôi muốn mở rộng ra ngoài lĩnh vực giao hàng và xem xét đến lĩnh vực đặt trước tại nhà hàng, bán vé sự kiện, vé xem phim và có thể là tích hợp với các dịch vụ di động. Một lĩnh vực khác mà Pierre quan tâm là dịch vụ gia đình, những thứ như giặt làm sửa chữa và dọn dẹp.
Còn ở thời điểm hiện tại, trọng tâm lớn nhất của Glovo là các cửa hàn tạp hóa. Chúng tôi đang tập trung vào thị trường mà những người chơi lớn không thực sự để tâm phát triển. Giao hàng là dịch vụ cần thiết ở khắp mọi nơi chứ không riêng những thành phố lớn và phát triển".